Thanh Miện khó mở rộng diện tích vụ đông

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:04, 09/11/2011

Thời tiết không thuận lợi, thời vụ muộn cộng thêm chi phí sản xuất tăng cao nên nhiều nông dân không làm hoặc thu hẹp diện tích trồng màu...


Nông dân thôn Kim Trang Đông, xã Lam Sơn chăm sóc cây hành vụ đông


Sản xuất vụ đông góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai và lao động nông thôn, tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế khá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, những năm qua huyện Thanh Miện luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích nông dân sản xuất vụ đông, nhưng thực tế để mở rộng diện tích vụ đông ở đây gặp nhiều khó khăn. Đến nay, huyện Thanh Miện mới gieo trồng khoảng 1.200 ha, đạt 80% kế hoạch. Hầu hết các xã đều không hoàn thành kế hoạch đề ra.

Lam Sơn là địa phương có truyền thống sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là các loại rau xanh như su hào, cải bắp…, tập trung chủ yếu ở 3 thôn Kim Trang Đông, Kim Trang Tây và Lam Sơn. Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Lam Sơn cho biết: “Bình quân, mỗi ha cây vụ đông cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng lúa. Thu nhập cao song thực tế việc mở rộng diện tích trồng màu của xã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí những năm gần đây còn có xu hướng giảm dần. Diện tích đất nông nghiệp toàn xã là 447 ha, nhưng chỉ có khoảng hơn 100 ha phù hợp trồng màu. Phần còn lại là đất chua, trũng, nông dân chỉ trồng được 2 vụ lúa, trong đó hơn 200 ha tập trung ở thôn Thọ Chương”. Vụ mùa năm nay, người dân còn gặp nhiều khó khăn hơn do thời tiết bất lợi. Diện tích cây vụ đông ước đạt 60 ha (bằng 75% kế hoạch), giảm 25 ha so với cùng kỳ năm trước. Vừa chăm sóc cho luống hành mới trồng, ông Mai Văn Triều ở thôn Kim Trang Đông, cho biết: “Năm nay, thời vụ gieo trồng cây vụ đông chậm 1 tháng so với năm trước. Thu hoạch lúa mùa xong, nhiều loại cây như ngô, khoai lang đã hết khung thời vụ gieo trồng nên gia đình tôi chỉ trồng 4 sào gồm hành, khoai lang, khoai tây, giảm 2 sào so với trước. Thêm vào đó, do giá giống, phân bón đều tăng 10-15% nên nhiều hộ gia đình khác cũng thu hẹp diện tích sản xuất”.

Những năm gần đây, xã Đoàn Tùng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của cây trồng vụ đông đến người dân qua nhiều hình thức, áp dụng các chính sách hỗ trợ giá giống, hỗ trợ thủy lợi phí... để khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng màu. Tuy nhiên, người dân không còn mặn mà với vụ thứ 3 này. Diện tích hằng năm chỉ duy trì từ 5-7 ha, chiếm 2% diện tích đất nông nghiệp. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng của thôn Thúy Lâm, ông Nguyễn Viết Huế, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đoàn Tùng, cho biết: Khoảng 5-6 năm trước, khu vực này trồng khá nhiều loại cây vụ đông như ngô, khoai lang, khoai tây. Nhưng hiện nay người dân chỉ còn thâm canh 2 vụ lúa. Nguyên nhân là do lực lượng lao động trong nông nghiệp của địa phương giảm mạnh, nhiều hộ dân chuyển sang làm dịch vụ, thương mại; bên cạnh đó, sự xuất hiện của các cơ sở sản xuất áo mưa giấy đã thu hút phần lớn lao động của địa phương tham gia sản xuất. Trước đây, gia đình ông Đào Đình Chắm ở thôn Thúy Lâm cũng trồng 2,5 sào ngô, khoai lang vụ đông. Do năng suất, chất lượng nông sản thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ cho chăn nuôi, ít mang lại hiệu quả kinh tế, gia đình ông chuyển sang làm kinh tế trang trại. Chỉ cho chúng tôi xem chiếc máy ép áo mưa ở góc nhà, ông cho biết: “Ngoài việc ở khu chuyển đổi, lúc rảnh rỗi, nhà tôi tranh thủ ngồi ép áo mưa giấy. Nghề phụ nhưng mỗi tháng cũng mang lại nguồn thu nhập 2 triệu đồng/người. Công việc nhàn, thu nhập khá nên nhiều hộ dân trong thôn gắn bó với nó, chứ làm vụ đông vất vả mà thu nhập lại không ổn định”.



Xã Lam Sơn chỉ có hơn 100 ha trong tổng số 447 ha đất nông nghiệp phù hợp trồng màu

Diện tích đất nông nghiệp toàn huyện Thanh Miện khoảng 7.200 ha, trong đó khoảng 30% là đất chua, trũng, thuộc các xã Tân Trào, Lê Hồng, Đoàn Kết... Những năm gần đây, một số doanh nghiệp được hình thành trên địa bàn, thu hút nhiều lao động tham gia, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp giảm đáng kể, là nguyên nhân chính dẫn tới việc mở rộng diện tích vụ đông gặp nhiều khó khăn. Hằng năm, cây vụ đông duy trì khoảng 1.400-1.500 ha, chiếm hơn 20% diện tích đất nông nghiệp. Tuy nhiên, năm nay, diện tích này còn giảm do ảnh hưởng của thời tiết. Cây trồng chủ lực trong vụ đông của Thanh Miện là các loại cây trồng sớm như ngô, bí xanh, bí ngô (chiếm 70% diện tích). Thời vụ muộn, thu hoạch lúa mùa xong, các loại cây này đều đã quá thời gian gieo trồng, cộng thêm chi phí sản xuất tăng cao nên nhiều nông dân không làm hoặc thu hẹp diện tích trồng màu.

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Miện Bùi Hữu Tiếp cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, từ đầu mỗi vụ đông, huyện đã có nhiều biện pháp khuyến khích nông dân mở rộng diện tích trồng cây vụ đông. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng hết diện tích có thể trồng màu, hỗ trợ giá giống, thủy nông, kỹ thuật... Khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng rau màu thay thế các giống đã quá thời vụ. Năm nay, huyện đưa cây bí ngô Nhật xuất khẩu về trồng tại các xã Chi Lăng Nam, Tân Trào với diện tích hơn 25 ha. Hy vọng với sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, người dân, diện tích cây vụ đông của huyện Thanh Miện tiếp tục được mở rộng, nâng cao thu nhập cho nông dân.

HỒNG HẠNH