Lộn xộn nghĩa trang nông thôn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:18, 10/11/2011

Phần lớn các khu nghĩa trang nông thôn đều thiếu quy hoạch lâu dài, kéo theo những hệ lụy như ô nhiễm môi trường, quy hoạch sử dụng đất bị ảnh hưởng...



Nghĩa trang nhân dân thôn An Lâu, xã Hồng Quang (Thanh Miện) được xây dựng khá quy củ


Hình thành tự phát

Nghĩa trang nhân dân (NTND) thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn (Thanh Miện) nằm ngay cạnh tỉnh lộ 320, sát trường học và khu dân cư (KDC) mới của xã. Từ lâu xã Lam Sơn đã xây dựng được quy chế sử dụng đất nghĩa trang, nhưng việc chôn cất trong khu nghĩa trang này vẫn rất tùy tiện. Khu cát táng và hung táng chưa được bố trí riêng biệt. Tại khu cát táng, những ngôi mộ được xây theo các kích cỡ, kiểu dáng khác nhau tùy ý thích của mỗi gia đình. Khu nghĩa trang này vẫn chưa xây dựng được tường bao, chưa có hệ thống hào thoát nước và hệ thống cây xanh. Đường đi lối lại trong khu nghĩa trang cũng chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Do nằm rất gần KDC và trường học, nên khu nghĩa trang này ảnh hưởng lớn đến cảnh quan và môi trường sống của người dân. Năm 2010, nhiều trường hợp sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở KDC mới của xã nhưng không nộp tiền một phần do những lô đất này quá gần nghĩa trang của thôn.

Trên các cánh đồng của thôn Hà Liễu và thôn Tông Phố, xã Thanh Quang (Nam Sách), hàng trăm ngôi mộ lại được bố trí rải rác trên các gò, đống giữa ruộng với tường bao, cây xanh tương đối hoàn chỉnh. Những gò đống này tồn tại ở đây từ nhiều năm nay, nên người dân đặt mộ ở đó cho thuận tiện. Mặc dù biết rằng việc xây mộ trên những gò, đống giữa ruộng ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, nhưng chính quyền địa phương cũng chẳng có cách gì giải quyết. Bây giờ, cả cánh đồng rộng lớn bị chia cắt bởi những ngôi mộ to nhỏ, nhấp nhô.

Quản lý lỏng lẻo

Thực trạng ở các nghĩa trang thôn Hà Liễu, thôn Tông Phố xã Thanh Quang (Nam Sách) và thôn Thọ Trương, xã Lam Sơn (Thanh Miện) cũng là thực trạng chung của đa số các NTND trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 2.218 NTND, diện tích khoảng 520 ha với trên 1 triệu ngôi mộ. Ngoài ra còn hàng trăm nghìn ngôi mộ nằm rải rác trên các cánh đồng hoặc trong các KDC. Từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành quyết định về quản lý, sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để công tác quản lý các NTND đi vào nền nếp. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có huyện Thanh Miện hoàn thành việc triển khai đến tất cả các xã. Những văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng đất NTND chưa được chính quyền cấp huyện, cấp xã quan tâm đúng mức nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều NTND tập trung được bố trí quá gần KDC, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của nhân dân, khiến quy hoạch sử dụng đất của các địa phương bị phá vỡ. Nhiều địa phương lại chưa xây dựng được quy chế quản lý, định mức cho các phần mộ, nên người sử dụng còn tùy tiện, xây dựng không theo hàng lối, không có khoảng cách nhất định. Hầu hết các NTND không có ranh giới rõ ràng với các khu vực xung quanh, không có tường bao, rãnh thoát nước, đường đi và hệ thống cây xanh. Mặt khác, việc quản lý quỹ đất dành cho NTND ở các địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sử dụng đất NTND không đúng quy hoạch, kế hoạch và vượt kế hoạch được duyệt. Nhiều NTND không phân khu hung táng, cát táng riêng. Nhiều gia đình, dòng họ tự khoanh bao lấn chiếm đất nông nghiệp làm đất dự trữ chôn cất người thân. Một số gia đình có phần đất nông nghiệp được chia gần NTND đã ngầm chuyển nhượng cho dòng họ làm đất chôn cất. Các NTND cũng không có quy hoạch chi tiết, nên diện tích đất của mỗi phần mộ tùy tiện. Tại các huyện, diện tích đất dành cho NTND được xây dựng không đều. Nhiều huyện có số lượng NTND lớn như Tứ Kỳ, Gia Lộc, Thanh Miện, Cẩm Giàng bình quân mỗi xã có trên 8 NTND. Nhiều nghĩa trang có diện tích nhỏ, dẫn đến hiện tượng lấn chiếm đất công.

Chính vì công tác quản lý còn bị buông lỏng, nên vấn đề môi trường trong các NTND cũng ở trong tình trạng đáng báo động. Các NTND được xây dựng từ lâu, đường ra NTND phần nhiều bằng đất, một số được lát gạch nghiêng hoặc gạch vỡ khiến việc đi lại rất khó khăn. Do không có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa nên nước mặt ở các khu vực NTND đều bị ô nhiễm. Nước mặt ngấm xuống dưới khiến nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nặng. Những khu vực càng gần nghĩa trang, mức độ ô nhiễm các chất hữu cơ, hóa chất, vi khuẩn... càng cao. Nhiều NTND không có địa điểm xử lý rác thải, nên những đồ tùy táng sau khi được cải táng đều được vứt bỏ bừa bãi, khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.

Cần quy hoạch theo hướng văn minh

Theo Quyết định 4315/2006/QĐ-UBND ngày 14 - 12 - 2006 của UBND tỉnh, việc bố trí các khu đất để xây dựng NTND mới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Nghiêm cấm việc quy hoạch và xây dựng các phần mộ trong NTND trái với quy định chung và quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Khu đất làm nghĩa trang phải xa KDC, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, bảo đảm vệ sinh môi trường... Vì vậy, quy hoạch hệ thống NTND trong tỉnh cần thực hiện theo hướng tôn tạo cảnh quan; cải tạo bảo đảm cảnh quan, môi trường, hạ tầng kỹ thuật đối với các NTND hiện có phù hợp với quy hoạch tổng thể. Những nghĩa trang không phù hợp quy hoạch hoặc quá gần KDC phải đóng cửa. Có thể nghiên cứu để hạn chế nghĩa trang cấp thôn, xóm, tập trung xây dựng nghĩa trang quy mô cấp huyện, xã hoặc liên xã để có điều kiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, nhà quản trang, tường bao, nhà tưởng niệm, khu xử lý rác thải.

Trên cơ sở này, huyện Nam Sách đã xây dựng đề án "Quy hoạch và đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, quản lý mạng lưới giao thông, thủy lợi nội đồng, nghĩa trang nhân dân". Theo đó, kinh phí đầu tư quy hoạch, xây dựng NTND sẽ được huyện hỗ trợ 20%, số còn lại là ngân sách xã (60%) và sự đóng góp của nhân dân. Thực hiện đề án của huyện, xã Đồng Lạc đã triển khai xây dựng NTND cho 8 thôn với tổng diện tích 11ha, kinh phí khoảng 14 tỷ đồng. Những NTND của xã Đồng Lạc được quy hoạch xa KDC, có phần hung táng, cát táng riêng biệt và có hầm xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Xung quanh nghĩa trang có tường bao, bên trong có nhà thờ chung và đường nội bộ. Các ngôi mộ được phân khu theo 4 hướng và thống nhất về kích cỡ.

Hy vọng rằng từ điển hình Đồng Lạc, phong trào xây dựng NTND bảo đảm sạch, đẹp sẽ được nhân rộng. Có như vậy, các NTND trên địa bàn tỉnh mới đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn minh.

LÃ VỌNG - QUỐC ĐÔNG