Những phát minh kéo dài tuổi thọ con người

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 16:41, 25/11/2011

Một số phát minh như vắc-xin, phân loại nhóm máu, xà phòng... đã góp phần rất quan trọng giúp kéo dài tuổi thọ của con người.

Xà phòng và thói quen rửa tay

Ngày nay, rửa tay là một trong những việc đơn giản nhưng hiệu quả nhất giúp hạn chế sự lây lan bệnh tật. Chỉ cần xà phòng, nước và một chút thời gian -  ít nhất là 20 giây cọ sát cho mỗi lần rửa tay, sẽ xóa sổ sạch bọn vi khuẩn ẩn nấp trên tay và dưới móng tay.

Tuy nhiên, cho đến tận thế kỷ 19, con người vẫn thản nhiên sống trong một thế giới khá bẩn, cho đến khi Louis Pasteur phổ biến thuyết vi sinh vật. Khi đó, người ta mới biết những vi sinh vật nhỏ xíu mà mắt thường không nhìn thấy có thể gây ra nhiều bệnh tật. Vấn đề vệ sinh bắt đầu được quan tâm hơn, từ đó sức khỏe con người dần được cải thiện.

Vô trùng dụng cụ phẫu thuật

Năm 1861, bác sĩ giải phẫu Joseph Lister đã giới thiệu chất carbolic acid (phenol) giúp khử trùng dụng cụ giải phẫu và làm sạch vết thương. Vào thời ông, có đến 45% - 50% bệnh nhân chết do nhiễm trùng vết thương.

Dựa vào lý thuyết của Louis Pasteur  (cho rằng nhiễm trùng là do vi sinh vật), ông đã sử dụng acid carbolic (phenol) để khử trùng dụng cụ giải phẫu và làm sạch vết thương. Kết quả là tỷ lệ tử vong trong các ca phẫu thuật của ông đã giảm đáng kể.

Khởi đầu từ kỹ thuật sát trùng của Lister, đến găng tay của Halsted, rồi khẩu trang của Mikulicz, kỹ thuật vô trùng ngày càng hoàn thiện.

Phân loại nhóm máu

Trước đây, truyền máu là một công việc hết sức nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong rất cao do quan niệm cho rằng mọi người đều có máu giống nhau. Chỉ đến năm 1902, khi Karl Landsteiner phát hiện ra sự hiện diện của những ngưng kết tố trong máu, từ đó phân loại 4 nhóm máu khác nhau, truyền máu mới trở thành phương pháp cứu sống hàng triệu sinh mạng mỗi năm.

Phát hiện của Karl Landsteiner còn góp phần giúp chúng ta hiểu sâu hơn về cấu tạo và tính chất hóa học của máu, và mở đường cho sự ra đời của rất nhiều phát hiện y học quan trọng giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Vắc-xin



Vắc-xin đầu tiên gắn với tên tuổi của Edward Jenner, một bác sĩ người Anh. Năm 1796, khi châu Âu có dịch đậu mùa, Jenner đã thực hiện thành công thử nghiệm vắc-xin ngừa căn bệnh này.

Tám mươi năm sau, Pasteur đã xác nhận các giả thuyết về hiện tượng miễn dịch của Jenner và mở đường cho khoa miễn dịch học hiện đại.

Từ đó, việc chủng ngừa đã đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm. Ngày nay người ta còn hướng tới triển vọng dùng vắc-xin để ngừa một số bệnh nan y như ung thư, AIDS, v.v...

Chăm sóc sức khỏe sinh sản

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Hoa kỳ (CDC), vào đầu thế kỷ 20, cứ 1.000 ca sinh nở thì có đến 9 bà mẹ tử vong do các biến chứng khi sinh, và khoảng 100 trẻ không sống sót đến 1 tuổi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ qua.

Đóng góp vào sự tiến bộ này có việc tiêm vắc-xin, các loại thuốc kháng sinh, và đặc biệt là kỹ thuật truyền máu an toàn, và áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng trong bệnh viện. Ngoài ra còn các chương trình tuyên truyền giáo dục, tài liệu hướng dẫn sức khỏe sinh sản được phát đi rộng rãi trong xã hội...

Ngày nay, hầu hết sản phụ đã ý thức được tầm quan trọng của việc đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe định kỳ, và tuân theo một chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để "vượt cạn" khỏe mạn, an toàn.

Thuốc và các phương pháp điều hòa huyết áp

Bệnh huyết áp cao được ví là "tên giết người âm thầm" vì nếu lâu không được chữa trị sẽ dẫn đến tổn thương một số cơ quan trong cơ thể, chủ yếu là mạch máu, tim, thận, não và có thể làm người bệnh chết sớm.

Với trường hợp bệnh chưa nguy cấp, quá trình điều trị sẽ bắt đầu với việc thay đổi lối sống như giảm cân nặng, thay đổi chế độ ăn (bớt muối, bớt ngọt, giảm thực phẩm giàu cholesterol), tập thể dục đều đặn, giảm uống rượu, bỏ hút thuốc. Nếu 4-6 tháng, huyết áp không giảm mới bắt đầu điều trị bằng thuốc.

Nghiên cứu cho thấy các liệu pháp chữa tăng huyết áp có thể giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ đến 35-40%; giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim 20-25%; giảm nguy cơ suy tim 50%.

Dây an toàn, mũ bảo hiểm, túi khí đệm

Ngày nay, trên phạm vi toàn cầu, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với người trưởng thành.

Đối với ô tô, sự ra đời của dây an toàn và túi khí SRS đã giúp hấp thụ một phần lực va đập lên người lái và hành khách và giảm khả năng va đập của mặt và đầu với các vật thể trong xe.

Còn đối với xe hai bánh, mũ bảo hiểm giúp giảm va đập và hấp thu chấn động do va đập, giảm nguy cơ chấn thương sọ não.

Cấy ghép nội tạng

Nửa thế kỷ qua, bàn tay kỳ diệu của y học đã có thể ghép gần như bất kỳ cơ quan nội tạng nào cho cơ thể người. Ít nhất 21 cơ quan nội tạng, từ thận, tim, gan đến mô (giác mạc hoặc tủy) đã được cấy ghép thành công.

Từ ghép nội tạng người cho người, y học bắt đầu ghép bằng máy móc, rồi nội tạng động vật. Một trong những động vật được nghiên cứu nhiều nhất gần đây là lợn - do nhiều nội tạng lợn có kích thước tương đương của người.

Vấn đề cấy ghép đang được tranh luận ồn ào nhất hiện nay là ghép nguyên bộ mặt người. Liệu có thể chấp nhận nhìn thấy một bộ mặt quen thuộc (đã chết) được ghép cho một người sống, những nguy cơ về nhầm lẫn, kẻ xấu lợi dụng...?

Kỹ thuật hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư

Hầu hết các bệnh ung thư có thể chữa trị và nhiều bệnh có thể chữa lành, nếu được phát hiện và điều trị sớm.

Thông thường, ung thư có thời gian ủ bệnh khá dài, khoảng 10 năm hoặc hơn nữa tùy thể loại ung thư. Do đó cách phòng và điều trị ung thư hiệu quả nhất được khuyến cáo là nên đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.

Ung thư có thể được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị liệu, xạ trị liệu, miễn dịch trị liệu hay các phương pháp khác.

Cao Nguyên (VNN)