Làn sóng cầu thủ Việt kiều về nước
Trong nước - Ngày đăng : 14:37, 04/12/2011
Những người nổi bật
Theo thống kê của LĐBĐVN (VFF), trên thế giới hiện có khoảng 200 cầu thủ Việt kiều thi đấu rải rác khắp nơi. Trong đó có khoảng 30 cầu thủ tương đối có đẳng cấp, nghĩa là ít nhiều được đào tạo chính quy, được các CLB nổi tiếng của các quốc gia có nền bóng đá mạnh tạo cơ hội cho thử việc hoặc lấy vào đội hình B để được thường xuyên cọ xát, thậm chí có người đã lên chơi cho tuyến dự bị của đội A một thời gian.
|
Nối bật nhất hiện nay chính là Christopher Nguyễn, sinh năm 1988. Anh là con ông Nguyễn Xuân Chính và có mẹ người Đức, từng được đào tạo ở CLB Hessen. Có thời gian anh được CLB từng chơi Bundesliga là Karlsruhe để mắt tới và tạo cơ hội cho thử sức từ tháng 7.2009. Dù sau đó, Christopher Nguyễn không thành công khi phải chuyển xuống đội B rồi đầu quân cho Hessen Kassel, nhưng anh vẫn được báo chí Đức đánh giá là tài năng vượt trội so với những cầu thủ cùng lứa đến từ Đông Nam Á, và là chân sút nhạy bén chớp thời cơ. Ngay trang Goal.com cũng nhận định nếu trở về Việt Nam thi đấu, anh sẽ là ngôi sao sáng trên bầu trời Đông Nam Á.
Mạc Hồng Quân là cầu thủ hiện đã có quốc tịch CH Czech, dù anh vẫn giữ nguyên cái tên “cúng cơm” như khi còn ở quê nhà. Sinh năm 1992 và đến Czech năm 2000, anh nhanh chóng phát triển khả năng ở CLB Tachov. Năm 2007, Hồng Quân được CLB Sparta Praha để mắt và ký hợp đồng đào tạo chuyên nghiệp. Trong 2 năm qua, Quân thường xuyên là đội trưởng đội tuyển trẻ Sparta Praha, rồi trong năm 2011 được bổ sung lên đội B. Trong trận ra mắt gặp đội Trinec, Hồng Quân ghi 2 bàn ấn định chiến thắng cho Sparta B. Những ông bầu bóng đá Czech đang tìm cách giữ chân anh bằng hợp đồng dài hạn và đã tính đến việc đưa vào tuyển U.23 Czech thi đấu Olympic trong tương lai Anh em nhà Lê Giang đến từ Slovakia cũng rất đáng chú ý. Emil Lê Giang là một tiền đạo bẩm sinh với kỹ thuật cực khéo. Anh sinh năm 1991, từng được CLB Nuremberg để mắt tới. Còn người em Patrick sinh năm 1992 là thủ môn, cao 1,88m, từng chơi cho U.17 Slovakia. Cả hai hiện khoác áo đội MS Zilina, được báo chí Slovakia nhìn nhận là những hạt ngọc trong tương lai gần.
|
Không thể không kể đến Johnny Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Anh, sinh năm 1986, từng chơi cho đội trẻ của Lens (Pháp) rồi State de Reims, có tố chất nhanh nhẹn, thi đấu năng nổ. Vừa rồi Ngọc Anh đã được HLV Nguyễn Thành Vinh đánh giá rất cao và ký hợp đồng thi đấu cho đội Hà Nội FC.
Một số gương mặt khác như Thạch Dương (1985, Thụy Điển), Nguyễn Quốc Trung (1990, Thụy Sĩ), Trương Minh Tuấn (1981, Hà Lan), Ludovic Urai (1987, Pháp, thi đấu cho đội hạng 5 Tolouse), Vinh Tram (1987, Phần Lan), Ruslan Tien Kuan (1986, Bulgaria), Hai Lam (1983, Na Uy), Willmin Vinh Long (1984, Pháp)… cũng thi đấu nổi bật tại các quốc gia mà họ đang sinh sống.
|
Cần môi trường thông thoáng
Sẽ có giải bóng đá Việt kiều tại Việt Nam Ý tưởng tổ chức giải bóng đá này, dự kiến vào tháng 4.2012 tại Ninh Thuận, đã được Công ty Sài Gòn Gia Định, Công ty Yến Việt sơ bộ báo cáo lên Tổng cục TDTT, VFF và sẽ chính thức có văn bản vào trung tuần tháng 12. Giải sẽ có 6 đến 8 đội gồm các cầu thủ Việt Nam đang sinh sống khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Đức, Úc, Canada, Pháp, Czech... Đây sẽ là giải nhằm khánh thành sân vận động mới của Ninh Thuận (được lắp đặt ghế ngồi, dàn đèn, mặt sân mới và nhiều công trình phụ), đồng thời cũng chuẩn bị cho vòng chung kết giải U.21 Báo Thanh Niên 2012. |
Khi có tín hiệu từ VFF về việc sẽ tạo cơ hội cho cầu thủ Việt kiều về nước thi đấu như một nội binh, rất nhiều CLB đã đánh tiếng để mời các cầu thủ mà họ biết về thử sức. Nhiều CLB nhanh chân tìm được “hàng” ngon mà giá cũng vừa phải, ví dụ như Johnny Nguyễn, mức lương cũng chỉ khoảng 3.000 USD/ tháng chứ không phải cao ngất ngưởng như Lee Nguyễn hồi mới về HAGL là hơn 10 ngàn USD. Dĩ nhiên Lee Nguyễn đã có thương hiệu vì đã tham gia vào đội tuyển Mỹ, còn các cầu thủ trẻ Việt kiều gần đây thì chỉ mới lóe lên trong phạm vi quốc gia họ đang sinh sống.
Một số cầu thủ Việt kiều cũng muốn làm cuộc “hồi hương” nên đã đánh tiếng sẽ kéo nhau về, khoảng trên dưới 10 người. Nhưng cũng có vài cầu thủ khác lại đắn đo vì tuy về VN thi đấu gần quê hương là tốt, song với môi trường bóng đá VN còn rất nghiệp dư và nhiều biến chuyển phức tạp thì tương lai của họ vẫn bất ổn. Cũng có vài cầu thủ do quen sống trong điều kiện thời tiết lạnh và dinh dưỡng chuyên nghiệp nên về VN lại tỏ ra không thích nghi, chỉ vài tuần ngắn ngủi đến rồi lại đi.
Ngoài ra, một số cầu thủ về thử sức ở Việt Nam lại ít nhiều bộc lộ những bất cập về chuyên môn. Chẳng hạn hồi năm 2007, Tony Lê Hoàng, một trong những cầu thủ trẻ từng đá cho U.19 Ba Lan, rất nổi tiếng tại thủ đô Warsaw, nhưng về Việt Nam mới đá vài trận đã bị HLV Riedl gạt khỏi danh sách chuẩn bị SEA Games và AFF Cup. Trước đó, Ludovic Casset từng về Việt Nam với cái tên Mã Trí và đã được Đà Nẵng ký hợp đồng thi đấu, nhưng cũng không thể trụ được lâu, thậm chí khi được giới thiệu lên tuyển Việt Nam thi đấu Tiger Cup 2004 cũng bị HLV Tavares loại. Trường hợp “trôi nổi” và chưa khẳng định được tài năng của Lee Nguyễn cũng do cách sống và gặp những trắc trở trong môi trường CLB.
Thế nên, để mời gọi cầu thủ Việt kiều về chơi ở V-League hay tham gia đội tuyển thì VFF cũng như các CLB cần phải rà soát kỹ danh sách các cầu thủ Việt kiều có chất lượng. Đồng thời phải tạo môi trường thông thoáng và có những đãi ngộ thỏa đáng để họ phát huy hết khả năng. Cầu thủ Việt kiều đa phần muốn cống hiến cho quê hương, nhưng cần có những động thái tích cực giúp họ mau chóng hòa nhập với môi trường mới. Khi đó, những cầu thủ Việt kiều mới hứng khởi chọn quê hương là bến đỗ cho sự nghiệp của mình.
Quang Tuyến (TN)