Khuyến khích trẻ tự tạo đồ chơi cho mình

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:08, 19/12/2011

Việc định hướng cho trẻ lựa chọn và sử dụng đồ chơi phù hợp không phải dễ dàng và rất ít người có ý tưởng dạy, khuyến khích trẻ tự tạo đồ chơi cho mình.

Trẻ em ngoài hoạt động học tập, ăn, ngủ thì vui chơi là không thể thiếu. Vui chơi lành mạnh có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhân cách, trí tuệ và thể lực của trẻ. Đồ chơi là phương tiện chính giúp trẻ thực hiện hoạt động đó. Hiện nay, trên thị trường bày bán rất nhiều loại đồ chơi dành cho trẻ em. Tuy nhiên, việc định hướng cho trẻ lựa chọn và sử dụng đồ chơi phù hợp không phải dễ dàng và rất ít người có ý tưởng dạy, khuyến khích trẻ tự tạo đồ chơi cho mình.

Nhiều trẻ quấy khóc, nhịn ăn, bỏ học để đòi mua bằng được đồ chơi chúng thích, trong đó có cả những đồ chơi thiếu tính giáo dục hoặc có thể gây nguy hiểm cho chính trẻ và người khác như súng có đạn giả, đao, kiếm, pháo... Vì nuông chiều, hay không có giải pháp nào ngăn cản, nhiều phụ huynh liền đáp ứng yêu cầu của trẻ. Như vậy, chính người lớn đã mắc sai lầm trong việc giáo dục trẻ.

Có không ít gia đình bỏ ra nhiều tiền để mua hàng núi đồ chơi đắt tiền cho trẻ. Có những đồ chơi trẻ chỉ chơi một lúc rồi bỏ đi hoặc phá hỏng. Nhiều người cho rằng, việc dạy và hướng dẫn trẻ làm đồ chơi sẽ mất thời gian và không đẹp bằng đồ chơi có sẵn. Để thời gian đó làm ăn kiếm nhiều tiền thích gì cũng có. Vì vậy, ý tưởng, mong muốn tự tạo đồ chơi của trẻ phai nhạt dần hoặc không tồn tại.

Trong khi đó, việc trẻ có thể tự tạo đồ chơi chứa đựng rất nhiều ý nghĩa thiết thực. Từ khi trẻ bắt đầu có ý tưởng đến suốt quá trình thực hiện, chúng phải sử dụng trí óc để tưởng tượng, hình dung và suy nghĩ sáng tạo đồ chơi phù hợp. Đó là cách tốt nhất rèn luyện và phát triển trí tuệ của trẻ ngay từ bé. Với những vật liệu đơn giản, dễ tìm, phế liệu bị bỏ đi, đồ vật không dùng được nữa như cành tre, nứa, củi khô, vỏ đồ hộp, vỏ bánh, vải vụn thừa... trẻ sẽ sử dụng đôi bàn tay nhỏ bé để tạo ra những đồ chơi ngộ nghĩnh và những tặng phẩm ý nghĩa. Từ đó, các em rèn luyện sự mềm mại, khéo léo, cẩn thận và kiên nhẫn. Trẻ học được tính tiết kiệm và biết quý trọng của cải vật chất của gia đình, xã hội và thành quả lao động của bản thân. Qua cách tạo hình và tạo vẻ đẹp của đồ vật đó có thể phát huy và bồi dưỡng năng khiếu thẩm mỹ của trẻ. Tự tạo đồ chơi chính là trẻ đang được chơi mà học, học mà chơi. Khi trẻ em thấy hứng thú và dành thời gian thực hiện việc này, chúng sẽ không phung phí thời gian nghỉ ngơi vào các trò chơi vô bổ... Khi người thân cùng vui chơi, cùng làm và trẻ dùng những sản phẩm tự tạo của mình tặng cho bạn bè, người thân sẽ giúp gắn kết tình cảm, xây đắp tình yêu thương và tình cảm chân thành, hồn nhiên, trong sáng của  các em đối với gia đình, người thân, bạn bè...

Người thân nên hạn chế việc mua đồ chơi sẵn có ngoài thị trường cho trẻ, đồng thời giúp các em biết cách xây dựng thời gian học tập và vui chơi hợp lý, biết lựa chọn hình thức và phương tiện vui  chơi lành mạnh, bổ ích, có tính giáo dục và thể dục.

NGUYỄN THỊ DUNG(Gia Lộc)