Một ngày ở doanh trại hải quân đánh bộ

Tin tức - Ngày đăng : 14:54, 22/12/2011

7 giờ ở đảo T một ngày tháng 10-2011. Cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô của lữ đoàn hải quân đánh bộ (HQĐB) M47 bước vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng.

Lực lượng tăng thiết giáp yểm trợ hải quân đổ bộ đánh chiếm các mục tiêu giả định

Tình huống giả định của cuộc diễn tập là một phần đảo của ta bị nước ngoài đánh chiếm nhưng do lực lượng trên đảo không đủ sức giữ đảo, Sở chỉ huy Bộ tư lệnh hải quân ra lệnh cho lữ đoàn HQĐB M47 hiệp đồng tác chiến với các lực lượng trong quân chủng chiếm lại phần đảo đã mất.

Tình huống giữa biển

Khi tàu cách đảo 1,5-3 hải lý, một đại đội xe tăng, xe thiết giáp đồng loạt nhận lệnh hạ thủy. Lúc tàu còn cách đảo khoảng 2km, lực lượng HQĐB nhanh chóng xuống xuồng thả quân xuống biển bơi vào để đổ bộ lên đảo. Trong những tình huống tác chiến trên biển, đảo như thế này, HQĐB luôn là lực lượng đầu tiên tiếp cận đảo bởi nhiệm vụ tối quan trọng mà bất cứ lực lượng nào cũng không thể thay thế là chiếm lại phần đảo đã mất. Họ phải vượt qua bãi san hô, đá ngầm và những loại vật cản để đổ bộ lên đảo và tiêu diệt lực lượng đối phương.

Trên trời, một biên đội không quân tấn công gồm ba chiếc máy bay đổ bộ làm nhiệm vụ yểm trợ cho HQĐB vừa bắn hỏa lực, chuẩn bị đổ bộ quân dù vào bên sườn phía sau hiệp đồng đánh chiếm các mục tiêu. Lúc này, HQĐB đồng loạt đổ bộ tấn công đánh chiếm đảo, bắn đạn thật với sự phối hợp của các loại hỏa lực từ xe tăng, thiết giáp, súng cối, pháo binh...

"Khi có chiến tranh xảy ra mà chiến trường là đảo do ta quản lý bị nước ngoài đánh chiếm thì HQĐB là lực lượng phải lấy lại được đảo"

Thượng tá Hoàng Phú Vĩnh

Kết thúc đợt diễn tập, Bộ tư lệnh hải quân đánh giá các bài bắn của lữ đoàn HQĐB M47 đều đạt 100% loại giỏi. “Đó chỉ là một trong số những tình huống tác chiến có thể xảy ra trên biển, đảo mà chúng tôi phải luyện tập” - thượng tá Hoàng Phú Vĩnh, phó lữ đoàn trưởng quân sự lữ đoàn HQĐB M47, cho biết.

Anh nói một cách dễ hiểu nhất về HQĐB: “Khi có chiến tranh xảy ra mà chiến trường là đảo do ta quản lý bị nước ngoài đánh chiếm thì HQĐB là lực lượng phải lấy lại được đảo. Do vậy người chiến sĩ HQĐB ngoài những nội dung huấn luyện như một chiến sĩ bộ binh phải giỏi mà họ còn phải giỏi về hành động kỹ chiến thuật, khi tác chiến trong điều kiện sông biển, cách đánh các loại mục tiêu kiên cố, kỹ năng vững, độc lập tác chiến trong điều kiện chỉ huy thông tin hạn chế. Những lực lượng khác không thay thế được nhiệm vụ đó”.

Khi chúng tôi đến doanh trại đơn vị B73 (thuộc lữ đoàn HQĐB M47), trung tá Nguyễn Trọng Bình - chính trị viên tiểu đoàn - đang theo dõi, quan sát bài tập của một tiểu đội HQĐB hiệp đồng tác chiến với xe tăng thiết giáp.

Giữa phút nghỉ giải lao, cầm thử chiếc áo chống đạn của một chiến sĩ, chúng tôi phải xách hai tay mới nhấc lên được. Nhưng đó vẫn chưa phải là trang bị duy nhất mà mỗi người chiến sĩ HQĐB mang trên mình khi luyện tập. Họ phải mang theo 35-40kg gồm các loại vũ khí, trang bị và những thứ cần thiết nhất để chiến đấu, sinh hoạt trong ba ngày hoặc trong những tình huống nguy hiểm bị trôi dạt trên biển.

Mỗi đợt tuyển quân, sau hai tháng rưỡi huấn luyện tân binh, lữ đoàn M47 chỉ chọn được 170-180 người đưa về tiểu đoàn HQĐB B73 để tiếp tục huấn luyện chuyển đổi binh chủng. Mất thêm 4-6 tháng học chuyên môn nghiệp vụ, huấn luyện chiến đấu mới đào tạo được một chiến sĩ HQĐB thực thụ.

Trung tá Nguyễn Trọng Bình cho biết: “Cái mới của HQĐB hiện nay là kết hợp cách đánh truyền thống và sự sáng tạo phù hợp với điều kiện địa hình, đối tượng tác chiến, vũ khí trang bị của HQĐB. Cho nên tiêu chí để tuyển chọn cũng khắt khe hơn. Ngoài những tiêu chuẩn về sức khỏe, nhất là tim mạch, không mắc bệnh nan y, người chiến sĩ HQĐB phải cao ít nhất 1,65m và trung bình 1,67m trở lên để có thể mang vừa quân trang mới và sử dụng được các loại vũ khí mới”.

Khổ luyện

Đã là lính HQĐB thì tất cả đều phải biết bơi giỏi. Họ được huấn luyện học bơi từ tay không đến bơi mang theo vũ khí trang bị, bao gói vật dụng mang theo trên người

35-40kg và phải bơi được từ 3-5km. Mùa hè thì không nói song trong những ngày mùa đông khi nhiệt độ chỉ 15-20OC họ vẫn phải luyện tập bơi. “Những người bơi chưa quen sóng bị uống nước biển là chuyện thường, cho đến khi thấy nước biển “ngọt” như nước uống là bơi ngon lành như rái cá” - chiến sĩ mới Vũ Văn Hiệp (20 tuổi, quê Quảng Ninh) về tiểu đoàn từ tháng 6-2011, nói.

Khi đã đạt yêu cầu về bơi, chiến sĩ HQĐB sẽ tham gia những đợt huấn luyện chỉ thả trôi (không bơi) rất vất vả. Họ phải tập thả trôi liên tục từ 8g sáng đến 16g mới được vớt lên trong khoảng cách 7-10km. Mùa đông thì thời gian rút ngắn hơn một chút, từ 10g-15g. Mức độ tập cứ tăng dần từ dễ lên khó, từ khó đến tăng thêm tính phức tạp và được luyện tập biệt lập sống trên đảo hoang không có nước ngọt. Mỗi người chỉ được cấp 3 lít nước/ngày và tuýp thực phẩm khẩu phần ăn chế biến sẵn rất khó ăn. Giai đoạn huấn luyện này tăng dần từ 2-3 ngày rồi trên bốn ngày.

Những người đi “thử sóng”

Khả năng chịu đựng sóng - nhất là lúc dông bão - là một trong những yêu cầu quan trọng nhất mà chiến sĩ HQĐB phải tôi luyện được. Và ngay từ những ngày chập chững, họ phải học “thử sóng” bằng những bài tập thể lực đu quay, tập cách đi trên cầu sóng trong trạng thái liên tục chao đảo. Đây là thử thách bước đầu cho những người sợ độ cao và tiền đình kém. Phải mất một tháng chiến sĩ mới làm chủ được bài học này.

Trung tá Nguyễn Trọng Bình cho biết: “Thời gian đầu chúng tôi phải cử người phục vụ bảo đảm công tác an toàn, hỗ trợ và tạo sự an tâm với chiến sĩ. Thường thì mới nhìn thấy là chiến sĩ đã sợ xanh mặt, bị nôn ói khi mới chỉ quay được một vòng. Nhưng sau đã quen thì có người có thể nhào lộn trong đu quay cả buổi sáng!”.

Chiến sĩ mới Vũ Văn Hiệp chia sẻ: “Lần đầu tiên tập trong đu quay, khi đỉnh đầu dốc ngược xuống, chân thẳng đứng với đỉnh đầu, máu dồn xuống mặt, tôi cảm giác người rất nặng và rất sợ. Khi chân vắt qua một bên, cảm giác rất hẫng. Ai lần đầu bước vào cũng sợ tái mặt nhưng kiên trì tập dần sẽ quen. Hầu như ai cũng tự giác tập thêm ngoài giờ huấn luyện, sau giờ tăng gia và thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, sau các bài tập đó người chiến sĩ được đi trên các tàu để thử sóng, rèn luyện sức khỏe dẻo dai trên biển ở các cấp độ sóng khác nhau".

Hằng năm, lữ đoàn HQĐB M47 đều đưa nhiều đợt chiến sĩ ra đảo huấn luyện hàng tháng trời cho quen sóng gió, quen đảo và sát với chiến trường. Mỗi chuyến đi là những thành viên tinh túy nhất khi đã được tập hiệp đồng với các lực lượng và vượt qua vòng khám sức khỏe lần cuối, thượng tá Hoàng Phú Vĩnh cho biết.

Đây là thử thách thật sự bản lĩnh của chiến sĩ thực hành đổ bộ trong đêm tối thời tiết xấu lao xuống mặt biển tối hun hút không nhìn thấy gì.

“Trường Sa những ngày sóng yên biển lặng thì sóng đã cao hơn 1m - đại úy Tô Tuấn Dũng kể - Biển ở Trường Sa sâu 100-200m, khi chạm nước là lạnh thấu xương, từ ngực trở xuống buốt cóng tê tái. Đã thế lại phải mang theo vũ khí, trang bị và balô nặng tới 40kg nên cảm giác như bị hút xuống, rất ngợp và tác động lớn đến tâm lý”.

Họ phải bơi giữa sóng to, dòng chảy phức tạp trong cự ly yêu cầu 5-7km và vượt qua nỗi sợ sóng, độ sâu cùng áp lực về tâm lý. “Khi gặp dòng xoáy không thể quẫy đạp được, dù đã nhìn thấy đảo nhưng bị sóng đánh dạt đi. Nếu không có sự phối hợp đồng đội tốt thì rất dễ bị mất phương hướng” - thượng tá Hoàng Phú Vĩnh nói. Thế nên sự quyết tâm và bình tĩnh, kỹ năng bơi lội là hai thứ mà người lính HQĐB phải có khi xử lý hàng loạt tình huống ngay khi đang bơi trên biển.

“Mấy năm gần đây, trên đảo đã có điện năng lượng mặt trời nên ban đêm đảo đẹp, lung linh như thành phố - đại úy Tô Tuấn Dũng kể - Anh em vẫn hay đùa: chúng mình bơi vào đất liền chơi đi. Nhờ vậy mà chúng tôi thấy bớt xa cách, cô độc trong hàng tháng trời huấn luyện ngoài đảo”.

My Lăng (TT)