Vì sao VPF chọn hợp đồng truyền hình ba năm

Trong nước - Ngày đăng : 09:53, 03/01/2012

Đây là thời hạn từng được Ủy ban châu Âu xét thấy hợp lý nhất sau khi điều tra bản hợp đồng truyền hình độc quyền của giải Ngoại hạng Anh cách đây 20 năm.

Cuộc chiến bản quyền truyền hình bóng đá ở Việt Nam là việc lần đầu tiên xuất hiện. Nhưng trên thế giới, nhất là những nơi có nền thể thao và bóng đá chuyên nghiệp phát triển như Anh, Mỹ, Đức, hay châu Âu, bản quyền truyền hình luôn là vấn đề nóng bỏng với rất nhiều trường hợp kéo nhau ra tòa nhờ phân xử.

Theo tài liệu phân tích của Trung tâm nghiên cứu Luật Thương mại Đại học tổng hợp Queen Mary (London, Anh) thực hiện năm 2008 tập trung vào đề tài “Luật cạnh tranh trong lĩnh vực Khai thác bản quyền truyền hình bóng đá châu Âu”, Ủy ban châu Âu (EC) đã xử một vụ vi phạm Luật cạnh tranh tại giải Ngoại hạng Anh – kết luận của EC sau đó ảnh hưởng lớn tới các bản hợp đồng truyền hình giải đấu này.

BSkyB.

Ngược dòng thời gian vào những năm 80, thị trường phát sóng bóng đá ở Anh được chia sẻ cho hai đài truyền hình ITV và BBC. Khi giải Ngoại hạng Anh (Premier League) ra đời năm 1992 với mô hình chuyên nghiệp kiểu mới, ban tổ chức đã ký ngay hợp đồng truyền hình độc quyền đầu tiên cho BSkyB.

Đài truyền hình này giành được quyền phát sóng độc quyền phần lớn các trận đấu của Premier League trong 5 năm sau khi đánh bại ITV và BBC với mức giá 302 triệu bảng. Vào thời điểm đó, EC đã miễn thuế cho các thiết bị nhập khẩu của BSkyB phục vụ cho hợp đồng phát sóng Premier League. Cơ quan hành pháp châu Âu chưa nhận ra rằng việc cho phép một bản hợp đồng độc quyền về truyền hình lâu như vậy là bất hợp lý.

BSkyB hoàn thành hợp đồng này và giành tiếp bản quyền độc quyền trong các năm 1997-2001 với điều khoản ưu đãi hơn. Đến lúc này, quyền lợi lớn của BSkyB đã bị chú ý.

Cơ quan Thương mại sạch (the Office of Fair Trading – OFT) đã khởi xướng một cuộc điều tra vào các điều kiện đi kèm mà Ban tổ chức Premier League giành cho hợp đồng độc quyền của BSkyB.

Họ phát hiện ra BSkyB được hưởng quá nhiều lợi thế: ngoài sự độc quyền số trận đấu được mua, nhà đài còn được phát sóng số lượng lớn những trận đấu hấp dẫn nhất giải, được phép giảm số lượng các kênh truyền hình mua lại các trận đấu (qua đó tăng giá trị của các trận đấu được phát trên TV). Ngoài ra, các CLB còn bị ban tổ chức ngăn cản đặt giá cho các trận đấu của chính mình.

Sau khi điều tra, OFT cho rằng hợp đồng cho phép BSkyB mua chọn lọc các trận đấu hay của Premier League có thể coi là một sự độc quyền xâm hại đến sự đổi mới, dẫn đến việc khán giả truyền hình phải trả chi phí xem cao hơn và rốt cuộc làm hạn chế khả năng tự sản xuất của các đài ở cấp phân phối thứ hai sau BSkyB.

Mặc dù Ban tổ chức Premier League ra sức biện bạch, nhưng EC đã bác bỏ. Có một điều khiến những người phân tích luật pháp thấy thú vị: mặc dù EC xem xét vụ việc dưới góc độ của Luật cạnh tranh, nhưng quyết định của tổ chức này đưa ra sau đó lại dựa vào lý do bảo vệ quyền lợi cho khán giả xem truyền hình miễn phí -sẽ không được xem các trận đấu hay nhất của Premier League nếu không bỏ tiền dùng dịch vụ của một hãng truyền hình trả tiền mua lại quyền phát sóng từ BSkyB.

Khép lại phiên tòa, EC - ban đầu khăng khăng đòi giảm thời hạn hợp đồng bản quyền truyền hình Premier League chỉ trong một mùa – đã chấp nhận lời cam kết từ nhà tổ chức giữ thời hạn tối đa cho hợp đồng là ba mùa giải.

Từ đó, con số ba đã được áp dụng triệt để trong các hợp đồng truyền hình của giải Premier League cho đến bây giờ. Vượt ra ngoài biên giới nước Anh, tại Việt Nam, Ban tổ chức giải Ngoại hạng VPF cũng muốn lấy thời hạn ba năm áp dụng cho các hợp đồng truyền hình bởi số ba đã được chứng minh là “đẹp”.

Anh Dũng (VnE)