Bình Giang quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:04, 18/01/2012

Việc quy hoạch này đã góp phần hạn chế dịch bệnh, nông dân biết trồng và nuôi các loại cây, con phù hợp với nhu cầu của thị trường...



Nông dân xã Cổ Bì thu hoạch cá rô đồng tại vùng nuôi thủy sản tập trung


Xã Hùng Thắng (Bình Giang) hiện có hơn 300 ha diện tích đất nông nghiệp. Để nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân, UBND xã đã quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ông Phạm Công Việt, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hùng Thắng cho biết: Để tạo “cú hích” trong sản xuất nông nghiệp, thời gian gần đây, ngoài việc đầu tư xây dựng và cải tạo hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng, UBND xã còn chú trọng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Riêng năm 2011, xã đã quy hoạch 2 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại thôn Nhân Kiệt và Hòa Ché với tổng diện tích hơn 30 ha. Việc quy hoạch này có ưu điểm giúp đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vụ mùa năm 2011, nhờ quy hoạch các vùng sản xuất tập trung nên việc kiểm tra và xử lý dịch bệnh tại vùng lúa này đã được kiểm soát, năng suất lúa chất lượng cao đạt 65-66 tạ/ha, tăng 2 tạ so với các vùng ngoài quy hoạch. Vụ chiêm xuân năm nay, xã có kế hoạch mở rộng thêm 10 ha trồng lúa chất lượng nếp 352 và Bắc thơm số 7.

Ngoài các vùng trồng trọt, huyện Bình Giang còn quy hoạch các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, phát triển các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Năm qua, vùng chăn nuôi tập trung tại xã Bình Xuyên đã trở thành mô hình chăn nuôi được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tới học hỏi kinh nghiệm. Xã Bình Xuyên đã quy hoạch được 2 vùng chăn nuôi tập trung có diện tích hơn 30 ha ở thôn Bình Đê và Bình Cách. Để phát triển chăn nuôi bền vững, xã đã quy hoạch các trang trại xa khu dân cư; phối hợp với các chủ trang trại làm đường giao thông, hệ thống cấp nước và điện. Toàn xã hiện có 20 trang trại và gia trại. Trong đó có 3 trang trại lớn rộng từ 3 ha trở lên được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch các vùng chăn nuôi 5 năm, giá trị ngành chăn nuôi của xã đạt gần 20 tỷ đồng/năm, tăng gần 30% so với 5 năm trước. Năm 2009, anh Nguyễn Văn Trịnh ở thôn Bình Cách đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn nái với diện tích gần 5 ha. Theo ông Trần Đức Thắng, quản lý trang trại của anh Trịnh biết: Ở vùng chăn nuôi tập trung, việc quản lý dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng được bảo đảm. Việc xử lý nước thải, rác thải chăn nuôi cũng thuận lợi hơn. Mặc dù chăn nuôi với số lượng lớn nhưng đến nay, trạng trại chưa lần nào bị nhiễm dịch bệnh.

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện Bình Giang thực hiện thông qua Đề án “Tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo đảm vệ sinh môi trường”. Huyện đã quy hoạch các vùng lúa chất lượng cao tại các xã Hùng Thắng, Thái Hòa, Tân Hồng, Bình Minh, Tân Việt,  tổng diện tích hơn 2.000 ha. Các giống lúa chất lượng cao được đưa vào gieo trồng tại các vùng quy hoạch như: BT7, Nàng xuân, nếp 352, 87, 97, 415... Ngoài ra, huyện còn chủ động quy hoạch các vùng chăn nuôi quy mô lớn tại các xã: Hùng Thắng, Cổ Bì, Vĩnh Hồng, Vĩnh Tuy, Thái Dương, Hồng Khê, Long Xuyên, với diện tích hơn 500 ha. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện còn chủ động phối hợp với các xã vừa tăng diện tích cây vụ đông, vừa quy hoạch các vùng sản xuất vụ đông với các cây thế mạnh của từng địa phương như: vùng trồng bí xanh tại xã Tráng Liệt; vùng dưa chuột và dưa hấu của xã Hùng Thắng, Vĩnh tuy, Tân Việt, Cổ Bì ... Ông Nguyễn Phương Vụ, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp, huyện đã chủ động quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung. Việc quy hoạch này đã góp phần hạn chế dịch bệnh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: máy cày lật đất cỡ lớn, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng trừ sâu bệnh. Nông dân biết trồng và nuôi các loại cây, con phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, năm 2011, năng suất lúa của Bình Giang nằm trong tốp đầu của tỉnh. Sản lượng thủy sản đạt hơn 4.000 tấn, tăng 10% so với năm 2010”.

Thời gian tới, để phát huy có hiệu quả các vùng sản xuất đã quy hoạch, UBND huyện Bình Giang tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; có kế hoạch xây dựng một số vùng trồng rau sạch, rau an toàn trong nhà lưới tại các xã Tráng Liệt, Tân Việt, Hùng Thắng, Cổ Bì... Tiếp tục thực hiện kiên cố hóa kênh mương tại 5 xã Nhân Quyền, Bình Xuyên, Thái Học, Tân Hồng, Long Xuyên. Toàn huyện phấn đấu tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 3,5- 4%/năm. Trong đó, trồng trọt tăng 10-15%; chăn nuôi tăng 7-7,5%/năm, thuỷ sản tăng 12-13%/năm.

HẢI MINH