Tin vào cuộc đời để sống và cống hiến
Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 21:05, 26/01/2012
Mùa xuân Nhâm Thìn, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm niềm vui mới. Ông cho biết Nhà xuất bản Công an vừa in cuốn sách “Phạm Quỳnh - một góc nhìn" ...
Quê cha đất tổ là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhưng Phạm Tuyên sinh ra ở Hà Nội. 6 tuổi theo cha mẹ vào Huế. Học tiểu học Trường Paul Bert, Phạm Tuyên đã được tiếp cận cây đàn nguyệt với những bài cổ nhạc. Vào Quốc học Huế, biết chơi ăc-coóc-đê-ông và ghi-ta. 19 tuổi, trở thành anh lính Cụ Hồ, ông mới thực sự phát lộ năng khiếu âm nhạc.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với thiếu nhi Hải Dương
Nghiên cứu âm nhạc Phạm Tuyên qua các chặng đường đất nước, không ít nhà phê bình nhận xét: đây là biên niên sử bằng âm thanh.
Âm nhạc Phạm Tuyên giản dị nhưng không dễ dãi, có tính phổ cập cao mà vẫn trí tuệ, đằm thắm.. Đặc biệt, càng nghe càng thấm. Muôn mặt cuộc đời đều có trong ca khúc của ông. Mà là đỉnh cao, có bia tạc. Từ hình ảnh người thợ rừng, thợ mỏ, anh lính trên rừng núi Cha Lo, đến người dân bám biển quê hương; từ những con đường, chiếc gậy Trường Sơn, đến anh bạn Mỹ gảy đàn bên kia bán cầu... Từ lá thư hậu phương, câu hát mẹ ru, ngã tư đường phố đến hình ảnh cô gái đồng chiêm... đều hiện lên tha thiết trong khuông nhạc của người nhạc sĩ tài hoa.
Năm 1960, kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng, cả nước phơi phới trong nét nhạc Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng. 15 năm sau, cả núi sông, cả dân tộc rộn ràng trong khúc ca thống nhất Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng.
Đó là mốc son trong trang sử âm nhạc đương đại, nói về Tổ quốc và dân tộc.
Nếu như Tiến quân ca của Văn Cao là mốc của thời kỳ giành chính quyền cách mạng, Chiến thắng Điện Biên Phủ của Đỗ Nhuận đánh dấu mốc chấm dứt 9 năm kháng Pháp, thì Như có Bác trong ngày đại thắng là mốc son trong sự nghiệp giành độc lập thống nhất non sông.
Riêng một tác phẩm này mà Phạm Tuyên được nhận Huân chương Lao động hạng ba, một điều chưa có tiền lệ.
Phạm Tuyên đã tạo nên hai nốt nhấn rất ấn tượng trong sự nghiệp âm nhạc của mình . Đó là mảng ca khúc về Đảng, đất nước và âm nhạc cho trẻ thơ. Với hơn 200 ca khúc, chiếm khoảng một phần ba gia tài đồ sộ của mình, những nhạc phẩm cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng đã được nhiều thế hệ thiếu nhi cả nước yêu thích: Đêm pháo hoa, Trường cháu là trường mầm non, Cô và mẹ, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên đoàn viên… Bên cạnh những tâm huyết của một trái tim nhân hậu yêu trẻ, Phạm Tuyên còn được sự giúp đỡ của người bạn đời yêu quý - Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Ánh Tuyết. Bà là người mẹ của hai đứa con, một người vợ, người bạn tri âm của chồng.
Không chỉ sáng tác, Phạm Tuyên còn viết sách lý luận âm nhạc và nhiệt tình hoạt động phong trào. Ông tham gia Hội đồng khoa học về giảng dạy bộ môn âm nhạc của Bộ Giáo dục nhiều năm, là Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Âm nhạc Việt Nam trong suốt 20 năm. Cả đến khi nghỉ hưu vẫn còn là Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Chỉ tính từ khi hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp (năm 1958) cho tới lúc nghỉ hưu (năm 1994), Phạm Tuyên sáng tác khoảng 700 ca khúc trữ tình cách mạng. Trên chặng đường âm nhạc đầy gian nan ấy, người bộ hành nặng trĩu đôi vai nghĩa vụ và trách nhiệm, nhưng chưa một lần vấp ngã, để lại phía sau những dấu ấn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhiều giải thưởng lớn, nhiều danh hiệu cao quý. Ngoài các Huân chương, Huy chương, ông được Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2001. Năm 2011, ông được vinh danh là 1 trong 10 công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội. Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhất trí giới thiệu chùm ca khúc 5 bài của Phạm Tuyên đề nghị tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà ông tâm đắc là được làm "Nhạc sĩ của nhân dân".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên thời trẻ sôi nổi với cây đàn ăc-coóc-đê-ông
Người ta nhận xét ông có phẩm cách nhà giáo hơn nghệ sĩ. Càng nổi tiếng ông càng giản dị, chừng mực, ý nhị, gần gũi với mọi người.
Ông quan niệm: Hãy biết sống và cống hiến cả khi đời mình hoàn cảnh không thuận lợi. Thực ra ông được sinh ra trong một môi trường tốt. Nhạc sĩ Phạm Tuyên là con thứ chín của học giả Phạm Quỳnh. Ông Phạm Quỳnh là chủ bút Tạp chí Nam Phong, rồi vào Huế làm quan, mất trong những ngày đầu Tổng khởi nghĩa năm 1945, để lại không ít lời thị phi thời ấy. Phạm Tuyên đã vượt qua sự mặc cảm về thân phận. Nhờ tự học, tự nghiên cứu mà sau này nhạc sĩ thông thạo ba ngoại ngữ Pháp, Anh, Hoa. Cũng bởi được thừa hưởng phong cách giáo dục trong một gia đình có phông văn hóa, Phạm Tuyên nuôi dưỡng đức tin, tin vào cuộc đời. 19 tuổi đã là anh bộ đội Cụ Hồ, 20 tuổi trở thành người cộng sản.
Mùa xuân Nhâm Thìn, nhạc sĩ Phạm Tuyên có thêm niềm vui mới. Ông cho biết Nhà xuất bản Công an vừa in cuốn sách “Phạm Quỳnh - một góc nhìn" của tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan. Còn Nhà xuất bản Thanh niên tái bản cuốn “Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc”. Chắc ở nơi xa xôi nào đó người cha cũng thoả lòng?
Bước sang tuổi tám hai, ông vẫn khỏe. Ông mới đi Hưng Yên giúp địa phương thẩm định các nhạc phẩm, vẫn tiếp xúc với báo chí, các nhà nghiên cứu. Ông tâm sự: Quỹ thời gian không còn nhiều, chưa dám hứa sẽ viết được cái gì, nhưng vẫn đau đáu một khát vọng, các nhà chuyên môn và xã hội hãy quan tâm hơn nữa đến âm nhạc thiếu nhi. Nếu quên lãng chức năng giáo dục, sẽ không thể gieo vào tâm hồn các em những nét đẹp truyền thống, nhân văn hướng đến tương lai.
Giáo sư Văn Tạo coi Phạm Tuyên là người trí thức dấn thân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét Phạm Tuyên đã biến nỗi đắng đót trong cõi lòng mình thành sắc hoa vàng. Vâng, nhưng trước hết Phạm Tuyên là người sáng một đức tin. Có nó, ông đã sống, sáng tạo và cống hiến.
KHÚC HÀ LINH