Thách thức và cơ hội
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 10:01, 28/01/2012
Năm 2012, hoạt động xuất khẩu lao động của VN sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng cũng có thuận lợi vì những thị trường truyền thống của ta vẫn tăng trưởng về kinh tế.
Tiến sĩ Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước trong buổi
trao đổi với phóng viên. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)
Năm 2012 vẫn là một năm thế giới có nhiều biến động về kinh tế xã hội, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khủng hoảng việc làm sẽ tiếp tục tiếp diễn đến hết năm. Xuất khẩu lao động của Việt Nam sẽ đứng trước những cơ hội và thử thách nào?
Phóng viên đãcó cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) xung quanh vấn đề này.
- Mặc dù chỉ tiêu tạo việc làm cho 1,5 triệu lao động năm 2011 đã không thực hiện được, nhưng riêng chỉ tiêu xuất khẩu lao động lại đạt 101,15% kế hoạch đặt ra. Ông có nhận xét gì về tình hình xuất khẩu lao động năm 2011?
TS. Lê Văn Thanh: Có thể nói năm 2011 là một năm khó khăn đối với hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Bất ổn chính trị tại Libya hồi tháng 3 đã không những khiến chúng ta không thể đưa lao động mới sang làm việc tại thị trường này mà còn phải đưa hơn 10.000 lao động đang làm việc tại Libya về nước. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, ảnh hưởng tới công tác xuất khẩu lao động của ta.
Tuy nhiên, với sự cố gắng của các cơ quan chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong việc đẩy mạnh các thị trường truyền thống và khai thác một số thị trường mới nên chúng ta đã đưa được hơn 88 nghìn lao động đi làm việc tại nước ngoài (đạt 101,15% kế hoạch, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2010). Các thị trường chính như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Malaysia tăng về số lượng so với cùng kỳ năm 2010.
- Chúng ta cần làm gì để giữ vững được các thị trường lao động truyền thống, đặc biệt là sau sự cố hiện tượng lao động sang làm việc ở một số nước rồi bỏ trốn khá nhiều như Hàn Quốc, Đài Loan…?
TS. Lê Văn Thanh: Hiện nay, các thị trường lao động ở châu Á, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia vẫn là các thị trường truyền thống của ta. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại 4 thị trường này trên 200.000 người, chiếm 40% tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới…
Để giữ vững được các thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, theo tôi cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền cho người lao động và dư luận xã hội về chủ trương đi làm việc tại nước ngoài, làm cho người lao động và dư luận xã hội hiểu rõ các nguy cơ của việc vi phạm các quy định của pháp luật và vi phạm hợp đồng như bỏ hợp đồng hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đối với bản thân người lao động và với việc giữ vững thị trường lao động ngoài nước.
- Ông có thể đưa ra một vài định hướng cho bức tranh xuất khẩu lao động năm 2012 sẽ như thế nào? Có những thuận lợi khó khăn gì, thưa ông?
TS. Lê Văn Thanh: Theo tôi, trong năm 2012, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ gặp một số khó khăn, thách thức như: kinh tế thế giới hiện đang hồi phục nhưng vẫn diễn biến khó lường, tình hình chính trị bất ổn tại các quốc gia ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, cũng như ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu dẫn đến việc thị trường lao động quốc tế bị thu hẹp, sụt giảm, sự cạnh tranh giữa các quốc gia cung ứng lao động vốn đã rất gay gắt, càng trở nên khó khăn hơn trong năm 2012 và sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển các thị trường mới của Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu lao động của ta cũng có một số thuận lợi nhất định: nền kinh tế của những thị trường truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia… vẫn tăng trưởng và vẫn có nhu cầu cao trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài, trong đó, có lao động Việt Nam tại các nước này vẫn tăng, việc ký thỏa thuận quốc gia về tiếp nhận y tá và hộ lý Việt Nam của Nhật Bản đã mở ra một cơ hội mới cho lao động Việt Nam được sang làm việc tại thị trường này trong ngành nghề có thu nhập cao và khá được coi trọng.
Theo cá nhân tôi, việc cố gắng để đáp ứng được đòi hỏi khá cao của thị trường lao động Nhật bản sẽ tạo ra một bước đệm để nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam, hướng tới các thị trường các nước phát triển khác với phương châm chú trọng tăng cường chất lượng để phát triển số lượng sẽ là định hướng của công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới.
- Trong hoàn cảnh khủng hoảng việc làm toàn cầu năm 2012, trọng tâm của xuất khẩu lao động sẽ là gì? Chúng ta sẽ tập trung vào những thị trường nào, thưa ông?
TS. Lê Văn Thanh: Trọng tâm năm 2012 là tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực hiện các giải pháp để khai thác tối đa nhu cầu lao động tại các thị trường đang phục hồi, đặc biệt là đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong các lĩnh vực và các nghề trước đây chưa quan tâm khai thác do thiếu nguồn lao động như các nghề đòi hỏi trình độ cao, các nghề trong lĩnh vực dịch vụ...
Chúng ta sẽ tiếp tục tập trung khai thác các thị trường truyền thống đang nhận lao động Việt Nam với số lượng lớn như các nước khu vực Trung Đông, Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đồng thời mở các thị trường mới phù hợp với lao động Việt Nam như Australia, New Zealand, Canada và một số nước ở Châu Âu như Phần Lan, Thụy Điển...
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Kiều(Vietnam+)