Dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng

Tin tức - Ngày đăng : 11:06, 03/02/2012

Phong trào quần chúng là cơ sở, là nguồn sống của Đảng, là mảnh đất tốt, từ đó, Đảng lớn lên không ngừng.

Trong bản Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ đã dặn lại toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những công việc phải làm khi Tổ quốc đã thống nhất, trong đó có nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người viết: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, và cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn”. Người còn chỉ rõ: “Theo ý tôi, công việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên cả ba mặt: tư tưởng, chính trị và tổ chức, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh đang là một yêu cầu bức thiết của toàn Đảng, toàn dân ta.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng là làm cho hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân ta, giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.

Tại Lớp huấn luyện đảng viên mới của Thành ủy Hà Nội, ngày 14-5-1966, Bác Hồ nói: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt. Muốn xây dựng chi bộ “bốn tốt” thì phải bồi dưỡng lập trường vô sản cho đảng viên. Muốn có lập trường vô sản vững chắc, thì đảng viên phải có ý thức giai cấp, đồng thời phải có lý luận cách mạng. Không có lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học thì không thể có lập trường giai cấp vững vàng”.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị là kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là những mục tiêu gắn liền khăng khít với nhau và làm điều kiện cho nhau đến mức trở thành một mục tiêu tổng hợp. Đó là con đường duy nhất đưa đất nước ta đạt tới: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong 82 năm qua, mục tiêu có tính bản chất và tính truyền thống này đều được xác định trong Cương lĩnh và Điều lệ Đảng qua các lần Đại hội, là bài học xuyên suốt trong lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về tổ chức là tăng cường sức chiến đấu của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp... đe doạ sự ổn định, phát triển của đất nước…

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nền nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu... Nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Kỷ luật, kỷ cương ở nhiều tổ chức đảng không nghiêm. Sự đoàn kết, nhất trí ở không ít cấp ủy chưa tốt…”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng.

Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình.

Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng…”.

Thông qua phong trào quần chúng, Đảng kiểm nghiệm, hoàn chỉnh và cụ thể hóa đường lối chính trị. Và cũng từ phong trào cách mạng của quần chúng, Đảng lựa chọn những người ưu tú kết nạp vào Đảng. Thực tiễn cách mạng cho thấy, nơi nào có phong trào quần chúng mạnh mẽ thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị thì ở đó, tổ chức đảng được phát triển, củng cố, cán bộ, đảng viên được rèn luyện và thử thách. Trái lại, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm tốt thì phong trào quần chúng càng lớn mạnh. Quá trình phát triển, lớn mạnh của Đảng gắn liền với sự phát triển của xã hội và sự lớn mạnh của phong trào quần chúng. Phong trào quần chúng là cơ sở, là nguồn sống của Đảng, là mảnh đất tốt, từ đó, Đảng lớn lên không ngừng.

Sức mạnh của Đảng và sự thắng lợi của cách mạng bắt đầu từ chỗ Đảng luôn luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Nhân dân ta vốn rất cách mạng, hết mực tin yêu và kính trọng Đảng. Mọi hành động của cán bộ, đảng viên đều có ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân. Vì vậy, quần chúng rất mong muốn và đòi hỏi được góp phần tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hằng ngày, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên, quần chúng hiểu được và đánh giá đúng hoạt động của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Dựa vào quần chúng, vận động quần chúng tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất định sẽ nâng cao được sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, củng cố sự liên hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng, nâng cao uy tín của Đảng. Tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quần chúng đấu tranh loại bỏ dần tệ quan liêu, mệnh lệnh, xa rời quần chúng, tệ cường hào gia trưởng, tệ tham nhũng, buôn lậu cùng những biểu hiện tiêu cực khác của một số cán bộ, đảng viên, ngăn chặn việc kết nạp những người không đủ tiêu chuẩn vào Đảng, phát hiện những phần tử cơ hội đang thao túng trong một số tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước.

Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhất định sẽ khẳng định vai trò, tác dụng tích cực của quần chúng nhân dân, của MTTQ và các đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ “dẫm chân tại chỗ” khi quần chúng chưa được lôi cuốn đông đảo tiến công vào các đối tượng chính của cuộc vận động, bởi nhiều trở ngại khác nhau ở một số cấp, ngành, địa phương và cơ sở.

Để bảo đảm, phát huy kết quả của việc quần chúng nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các cấp ủy đảng thực hiện tốt, có nền nếp, không làm chiếu lệ, hình thức việc tự phê bình của các tổ chức đảng trước quần chúng và mở rộng chế độ quần chúng phê bình các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Đối với những ý kiến phê bình đúng của quần chúng thì các tổ chức đảng tiếp thu nghiêm túc và có biện pháp sửa chữa. Đối với những ý kiến không đúng thì phân tích, giải thích đầy đủ với thái độ thực sự “trọng dân” và có ý thức trách nhiệm.

Nhấn mạnh vai trò, tác dụng của nhân dân không có nghĩa là coi nhẹ sự hoạt động, sinh hoạt của các tổ chức đảng và cũng không thể lấy phê bình của quần chúng thay thế cho tự phê bình, phê bình trong Đảng.

Gắn với phong trào quần chúng, dựa vào quần chúng để xây dựng Đảng, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về: “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

NGUYỄN XUYẾN