Phát huy hiệu quả các di tích cách mạng
Tin tức - Ngày đăng : 10:24, 04/02/2012
Năm 2010-2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thanh Hà tu bổ di tích đền Từ Hạ, xã Thanh Bính (Thanh Hà), nơi diễn ra Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về công tác xây dựng căn cứ du kích và xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương tháng 8-1950 |
Về thăm công trường xây dựng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn An Rặc, xã Hồng Thái (Ninh Giang) dịp đầu năm, chúng tôi thấy hàng chục công nhân đang khẩn trương làm việc. Các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà bia, khuôn viên... được quy hoạch khang trang, đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Với thành tích dẫn đầu công tác làm thuỷ lợi, ngày 15-2-1965, Bác Hồ đã về thăm và nói chuyện với nhân dân trong xã tại nơi đây. Với giá trị lịch sử đặc biệt, tỉnh đã phê duyệt dự án xây dựng khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh này. Công trình được khởi công từ tháng 6-2011 với tổng diện tích trên 1,5 ha, nguồn kinh phí đầu tư giai đoạn đầu khoảng 14 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, dự kiến sẽ hoàn thiện vào giữa năm 2012. Khi công trình đưa vào sử dụng sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử của huyện và tỉnh.
Những năm qua, công tác đánh giá xếp hạng, tu bổ, tôn tạo đối với các di tích cách mạng, kháng chiến đã đạt được một số kết quả. Hầu hết các di tích đã được kiểm kê, một số di tích được công nhận xếp hạng quốc gia như: đình Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách), đình Đông, xã Thanh Tùng (Thanh Miện), đền Từ Hạ, xã Thanh Bính (Thanh Hà) và một số di tích, địa điểm được gắn biển đồng, dựng bia. Năm 2009, UBND thị xã Chí Linh khởi công khôi phục và tôn tạo đình Đọ Xá. Năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Thanh Hà triển khai hạ giải, tu bổ di tích đền Từ Hạ (xã Thanh Bính)... Các địa phương được Bác Hồ về thăm như Hiệp Lực, Hồng Thái (Ninh Giang), Ái Quốc (TP Hải Dương), Nam Chính (Nam Sách) đã xây dựng nhà lưu niệm, tượng đài kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Tuy nhiên, việc ghi nhận, tu bổ, tôn tạo di tích cách mạng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Mặc dù năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp cho UBND cấp huyện chức năng thực hiện quy hoạch hệ thống di tích cách mạng và kháng chiến, ghi nhận bằng hình thức xây dựng tượng đài, đài chiến thắng, gắn bia, biển nhưng đến nay công tác triển khai, thực hiện quy hoạch còn chậm. Ấp Dọn, nay là thôn Kinh Dương, xã Thái Dương (Bình Giang), nơi đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bí danh Sao Đỏ) hoạt động và xây dựng cơ sở cách mạng năm 1932 - 1933. Được sự đùm bọc của nhân dân, đồng chí đã tự mình viết bài, in báo Công nông, tuyên truyền cách mạng tại đây. Thế nhưng sau rất nhiều lần đề nghị, nơi đây vẫn chưa được xếp hạng di tích cách mạng, cũng chưa có bất cứ tấm bia, biển nào để ghi dấu. Bên cạnh đó, các di tích cách mạng kháng chiến có rất ít người đến tham quan và thường chỉ đến vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm. Dịp đầu năm chúng tôi đến khu tượng đài nữ Anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi nằm giáp đường 5 thuộc địa phận xã Ái Quốc (TP Hải Dương) chỉ thấy sự vắng lặng, cánh cổng sắt đóng kín, khuôn viên cỏ mọc um tùm. Còn Nhà tưởng niệm nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi tại xã Nam Tân (Nam Sách), lượng khách viếng thăm hằng năm cũng rất ít, chủ yếu là người địa phương. Tại trận địa nơi tổ trực chiến cơ động của du kích xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) bắn rơi máy bay Mỹ ngày 15-8-1972 giờ đã được một dự án của nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy.
Bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích cách mạng, kháng chiến không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm mà còn thể hiện sự tri ân với Đảng và các thế hệ đi trước. Để phát huy hiệu quả các di tích cách mạng, các cấp chính quyền cần căn cứ vào thực tiễn thuộc địa bàn quản lý, bám sát quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, chỉ đạo việc quy hoạch các địa điểm, di tích cách mạng và kháng chiến. Mỗi ngành, tổ chức cũng cần có trách nhiệm tu bổ, tôn tạo những di tích cách mạng, cơ sở kháng chiến liên quan đến lịch sử, sự phát triển của ngành mình. Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động nói chuyện, giới thiệu về lịch sử các di tích này đến các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ...
Tỉnh ta hiện có 127 di tích cách mạng, kháng chiến. Có 2 di tích, địa điểm thuộc giai đoạn từ 1930 trở về trước là nhà số 3 phố Chợ Tây (nay là số 45 số Bùi Thị Cúc) và số 17 phố Đông Môn (nay là phố Phạm Hồng Thái, đều ở TP Hải Dương); 10 di tích gắn với giai đoạn 1930 -1945 như: đình Đọ Xá, xã Hoàng Tân (Chí Linh), nơi thành lập một trong 3 Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh; nhà cụ Lê Thị Thạnh ở thôn Đầu, xã Hợp Tiến (Nam Sách), nơi thành lập Tỉnh uỷ lâm thời ngày 10-6-1940; 9 địa điểm, di tích in dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn nhiều đình, chùa là những địa điểm tổ chức các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh trong thời kỳ đầu kháng chiến như đình thôn Triều Dương, xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện) diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II; đền Từ Hạ, xã Thanh Bính (Thanh Hà) tháng 8 - 1950 diễn ra hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn về công tác xây dựng căn cứ du kích và xây dựng các đơn vị bộ đội địa phương. |
NGỌC HÙNG