Niềm vui bên cây cầu mới

Tin tức - Ngày đăng : 14:29, 04/02/2012

Cầu Hiệp đi vào hoạt động mang đến một triển vọng mới về phát triển cho 2 tỉnh Hải Dương và Thái Bình...



Từ khi cầu Hiệp thông xe, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn


Đầu tháng 1 vừa qua, người dân 2 xã Hưng Long (Ninh Giang), Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ, Thái Bình) rất phấn khởi khi cầu Hiệp chính thức thông xe kỹ thuật. Cầu Hiệp được đưa vào sử dụng thay thế  bến phà, sẽ bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông, đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hoá và đi lại của nhân dân hai tỉnh Thái Bình và Hải Dương.

Trong ngày khánh thành cầu Hiệp đã có hàng nghìn người từ các xã xung quanh đến chiêm ngưỡng cây cầu bề thế. Có lẽ các bậc cao niên là những người thấu hiểu nhất nỗi nhọc nhằn ngày xưa và niềm hạnh phúc hôm nay khi có cây cầu mới. Ông Bùi Văn Toan, nguyên Chủ tịch UBND xã Hưng Long, dù đã gần 90 tuổi, sức yếu, nhưng khi cầu khánh thành, ông đã bắt người cháu phải chở mình “vượt cầu” sang Thái Bình để tận hưởng niềm vui. Ngồi nhìn ra cầu Hiệp phía trước nhà, ông Toan cho biết: “Tôi từng làm nghề chèo đò đưa khách qua sông Luộc. Bây giờ chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng mỗi tối nhìn thấy dãy đèn cao áp sáng trưng trên cầu tôi vui lắm!”


Mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ô-tô qua cầu Hiệp

Trước kia, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn, vất vả, vì đều phụ thuộc vào bến phà. Phà chỉ chạy từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối nên lắm lúc rất bất tiện. Có khi nhiều xe, phải xếp hàng chờ dài đến nửa cây số. Ông Bùi Bá Tám, một thương lái chuyên thu mua nông sản ở Ninh Giang để mang sang Quỳnh Phụ bán phấn khởi nói: “Bây giờ có cầu rồi, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng, chúng tôi chủ động hơn về thời gian, hơn thế nữa đi qua cầu không mất lệ phí nên ai cũng hài lòng”.

 Cùng chung niềm vui với người dân, ông Bùi Hải Nam, Chủ tịch UBND xã Hưng Long cho biết: “Cách đây 3 năm, khi Nhà nước có dự án xây dựng cầu Hiệp, bà con trong xã rất ủng hộ. Các gia đình đều đồng ý di dời nhà cửa, nhường đất canh tác của mình để xây cầu nên công tác giải phóng mặt bằng diễn ra khẩn trương. Nếu như trước đây, nhân dân chủ yếu trồng lúa thì từ khi cầu được xây, bà con đã dần thay đổi nhận thức, tính toán trồng cây gì, nuôi con gì để buôn bán, tăng thêm thu nhập”.

Chỉ mất vài phút đi qua cầu bằng xe máy, chúng tôi đã có mặt tại địa phận xã Quỳnh Giao. Thời điểm này, ngay dưới chân cầu Hiệp đã có vài chiếc xe ô-tô từ Hà Nội, Hưng Yên… về đây thu mua nông sản. Ông Nguyễn Viết Đạt, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao khoe: “ Hiện nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ô-tô qua cầu. Có cầu Hiệp, người dân ở đây đi đến Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng sẽ thuận lợi và gần hơn trước rất nhiều. Cầu mới thông được một thời gian ngắn đã có 10 doanh nghiệp đến làm việc với UBND xã để thuê đất, kinh doanh, sản xuất như: Xí nghiệp May Hoàng Anh, Công ty Sản xuất khung xe đạp và xe đạp điện Bắc Á…”

Cầu Hiệp đi vào hoạt động đã chấm dứt cảnh đò ngang cách trở, mang đến một triển vọng mới về phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội cho 2 huyện Ninh Giang, Quỳnh Phụ nói riêng và cho 2 tỉnh Hải Dương, Thái Bình nói chung. Đây thực sự là cây cầu của ý Đảng, lòng dân.

Sau 3 năm xây dựng, ngày 9-1, UBND hai tỉnh Hải Dương và Thái Bình đã phối hợp tổ chức lễ thông xe cầu Hiệp nối liền hai tỉnh. Cầu Hiệp có mức đầu tư hơn 292 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực với tải trọng thiết kế HL93, chiều dài 542,5m, rộng 12m. Cầu Hiệp đạt tiêu chuẩn cầu đường bộ cấp 1, đường hai đầu cầu đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng.


HOÀNG BIÊN