Làm được thơ hay, bao giờ cũng là một việc rất khó
Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 09:17, 07/02/2012
Tôi không rõ ở các nhà thơ khác như thế nào, chứ ở tôi thì tôi thấy rõ hai điều. Một là bài thơ tự đến với tôi. Hai là cùng một lúc nó đến với toàn bộ hình hài mà nó cần được ra đời, bao gồm cả ý tưởng, kết cấu và giọng điệu, trong đó có độ dài ngắn, thể loại, có vần hay không có vần. Bài thơ có thể được làm xong ngay, rồi về sau, tôi chỉ sửa chữa các câu chữ. Đấy là thơ tôi viết từ năm 1986, năm bắt đầu vào công cuộc đổi mới. Trước đó, tôi viết theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị. Và viết theo yêu cầu của chính trị, tôi viết cũng tận tâm và chân thành hết lòng mình. Chỉ có điều, những bài thơ đó, tôi gọi nó đến theo yêu cầu của tôi, tôi phải tự đi tìm nó. Nhưng phải đến sau 1986, tôi mới nhận ra, đó không phải là sở trường của mình. Và hình như trong thế hệ cầm bút cùng thời với tôi, không có ai, sự phân chia đó lại rõ ràng như tôi. Và thái độ cũng quyết liệt như tôi trong việc tự làm lại mình từ đầu: Ta học chim để sản xuất máy bay / Học cá để chế tạo tầu ngầm / Nhưng ta không biết học ai / Để làm lại bản thân mình…
Nỗi giày vò nghệ thuật ấy day dứt tôi không bao giờ nguôi. Vì thế sau đó, tôi quyết tâm bỏ lại phía sau 25 năm làm thơ thời bao cấp của tôi với 166 bài thơ và 2 trường ca đã in sách. Sau này cần phải chọn lựa lại thì tôi chỉ lấy có 29 bài, in thành phụ lục thơ để tham khảo.
Từ năm 1986 đến nay, với một nỗi ám ảnh xuyên suốt là số phận của nhân dân, cuộc thành bại của mỗi đời người, hình thành một hệ thống tư tưởng và thẩm mỹ khác hẳn trước, mỗi tập mỗi khác, khác về ý tưởng, kết cấu, giọng điệu… nếu không khác thì tôi không viết mà đã viết rồi thì không in ra… Bạn đọc có thể nhận ra rất dễ dàng điều đó qua bốn tập thơ cơ bản của tôi: Nhà thơ và hoa cỏ (1986 – 2001), Bản Xônat hoang dã (2003), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007) và Miền dân gian mây trắng (2008).
Có người băn khoăn về cách giải quyết vấn đề của thơ. Tôi nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của thơ. Trước đây, hiện nay, và cả sau này, thơ chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải hay. Còn nhà thơ, chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải viết hay. Có nhiều kiểu hay khác nhau, càng hay - càng hay khác nhau, lại càng hay hơn nữa. Viết về cái gì, viết thế nào, kiểu nào, kiểu cũ hay kiểu mới, cổ điển, hiện đại hay hậu hiện đại… được hết, miễn là phải hay. Rậm rạp mà hay, cũng hay. Thưa thoáng mà hay, cũng hay. Có vần hay không có vần, dài hay ngắn, miễn là phải hay. Và khi đã hay thì mọi giá trị hay đều ngang nhau. Chỉ có thơ hay mới cứu được thơ. Chỉ có thơ hay mới có bạn đọc. Không có bạn đọc thì thơ chết và nhà thơ cũng chết. Nhưng làm được thơ hay, bao giờ cũng là một việc rất khó.
Một nhà thơ được coi là giỏi nghề, phải có các giải pháp nghệ thuật, để xử lý cụ thể các bài thơ, không bài nào giống bài nào… Đó là sáng tạo riêng của nhà thơ, có tính phương tiện chứ không phải là mục đích. Nhờ thế mà thơ có nhiều bài thơ hay khác nhau và nền thơ có nhiều nhà thơ hay khác nhau. Càng hay khác nhau thì càng hay hơn nữa. Anh là nhà thơ, phải không? Vậy thì anh phải nghĩ ra một cái cách nào đó, để ý thơ được bộc lộ rất mờ ảo về những điều rất thực mà nhiều người đã thấy rõ ràng. Cái mờ ảo sẽ tạo ra sự hấp dẫn. Không làm được điều đó, thơ anh sẽ rơi xuống giản đơn. Rồi anh lại phải có một thao tác như thế nào đó về ngôn từ, để thể hiện được rất rõ ràng, dễ hiểu, về những điều không rõ ràng và không dễ hiểu mà chỉ có anh mới nghĩ ra, hay điều chưa được ai biết đến, hoặc anh thấy là nó rối rắm, khó tiếp nhận. Không làm được điều đó, thơ anh sẽ chỉ có một bạn đọc duy nhất là chính anh mà thôi…
Tôi chủ trương làm thơ dễ hiểu, nhưng người đọc không hiểu một lúc hết được điều mình muốn nói. Họ tưởng là đã hiểu, nhưng vẫn hình như còn có một cái gì đấy, khiến họ phải tìm đọc lần sau, và cứ thế, mỗi lần họ lại thấy vỡ ra một cái gì đấy, ngộ thêm một điều gì đấy mà tôi có nghĩ đến khi tạo dựng tác phẩm, nhưng tôi không viết ra. Rồi đọc thêm, họ thấy cái mà tôi chỉ gợi ý ra cho họ và cuối cùng, họ nghĩ tới cái mà tôi chưa từng nghĩ tới…
Nếu là ý thức, thì đấy là sự theo đuổi của tôi về nghề, không bao giờ mệt mỏi và đổi thay, cho đến khi tôi không viết được nữa… Nhưng tôi có làm được điều đó không? Cũng rất khó. Tôi không dám chắc.
TRẦN NHUẬN MINH