Chợ quê - Một đốm lửa thiêng

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:20, 07/02/2012

Bài thơ như bức tranh đặc tả cảnh chợ họp nơi đầu làng, bên gốc đa, giếng nước và kẻ bán người mua có lẽ phần nhiều cũng là người trong làng, ngoài xã cả. Qua nét chấm phá có độ nét cao đến mức người đọc có thể nhận ra cả cái nón mê, miếng áo vá của người đi chợ, thì đích thị là người làng quê đi chợ nơi thôn quê, chứ không thể lẫn với bất cứ người nơi nao, ở chợ nào được nữa: “Người đi vẫn cứ nón mê, áo chằm”. Đến cái phương tiện mang đi mua hàng, hay bán hàng, cầm tay cũng nhẹ tênh: “Liêu xiêu chiếc thúng người cầm nơi tay”. Chỉ một câu thơ mà nói được nhiều điều. Trước tiên ta có thể hình dung, người đi chợ tay cầm cái thúng vung vẩy theo bước chân đi. Cái thúng khi thì nghiêng bên này, khi thì ngả bên kia, theo nhịp chân bước, trông cứ “liêu xiêu” trên tay người cầm. Lại có thể hiểu, người đi chợ mua, hay bán hàng, cũng chẳng có gì nhiều, đến cái thúng cầm tay, hay cắp nách, cũng nhẹ như không. Hai từ “liêu xiêu” làm ta không chỉ nghĩ đến cái thúng không, mà còn nghĩ xa hơn về dáng đi, hay cảnh đời, và cuộc sống còn nhiều khó khăn của người thôn quê khi mang mớ cám, củ khoai, con tôm, con cá đi bán kiếm đồng lần hồi qua ngày giáp hạt tháng ba ngày tám. Bài “Chợ quê” của nhà thơ Hà Cừ thấy ghi thời gian ra đời tháng 10 năm 1981, bấy giờ đất nước chưa tiến hành công cuộc đổi mới, mở cửa và đời sống nông dân đang còn gặp vô vàn khó khăn. Nhà thơ bắt đúng mạch hiện thực ấy qua nét ký họa chợ quê chân thật và nghĩa tình. Khó còn nét đặc tả nào chân thật và sinh động hơn về cái chợ quê giàu sản vật, lại ấm áp nghĩa tình và cũng rộn ràng sức sống nơi thôn dã hơn thế này:

    Chợ quê con tép cũng gầy
    Con cua, con cá dính đầy bùn tươi
    Mớ rau muống, mớ mồng tơi
    Quả bầu, quả bí nói lời gió sương.

Đúng quá. Mỗi sản vật người nông dân làm ra đều là kết quả của bao tháng ngày “mặt bán đất, lưng bán trời”, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có được. Thế nên, dù là con cua, con cá hay mớ rau, quả bầu đều chứa đựng bao gian nan, vật vả và cả niềm vui, nỗi buồn của người làm ra. Hiểu rõ điều đó, nên những rung động trong nhà thơ khi đi chợ quê cũng hồn nhiên, dân dã, mạch thơ vì thế cũng chân thật, tự nhiên như lâu nay vẫn nằm sâu nơi nào đó trong tâm hồn, giờ mới có dịp bung ra. Thế nên, sau khi nhắc đến một loạt sản vật nơi chợ quê, từ con tép, con cua đến mớ rau, quả bầu, ngay vế sau của câu tám, sau khi nhắc tới quả bầu, quả bí, nhà thơ liền nhân cách hóa, biến nó từ vật vô tri, thành ẩn dụ mang hàm nghĩa sâu xa: “nói lời gió sương”. Chỉ “lời gió sương” thôi, người đọc đã có thể hiểu bao điều về sản vật và người làm ra sản vật ấy; không những thế còn làm khổ thơ như thoát khỏi sự hoạt kê, nâng lên tầm khái quát, gợi mở.

Và vì thế, những người con dân quê dù có đi đâu hẳn cũng không thể quên cái chợ nơi làng quê yêu dấu. Thế nên, chợ quê từ bao đời đã ăn sâu trong tâm thức nhiều người, nghĩ về chợ quê là nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình, nghĩ về những kỷ niệm ấm áp một thời mà hẳn không mấy ai không ít nhiều nhung nhớ. Nhưng với nhà thơ Hà Cừ thì dường như chợ quê chẳng những đằm sâu, day dứt trong trái tim người đi xa, mà còn luôn rạo rực như ngọn lửa thiêng nhắc nhở mỗi người chớ khi nào để ngọn lửa ấy lụi tàn, chớ khi nào quên nơi mình đã từ đấy ra đi. Nhà thơ có lý, khi ông dồn nén sự nhớ quê, nhớ buổi chợ quê, vào hai câu thơ kết: “Chợ quê- một đốm lửa thiêng/Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa”. Và đấy cũng là điều nhà thơ muốn gửi đến người đọc.

  Chợ quê

                              Hà Cừ

    Bao năm về lại chợ quê
Người đi vẫn cứ nón mê, áo chằm
    Vàng hương, mũ mã tuần rằm
Liêu xiêu chiếc thúng người cầm nơi tay
    Chợ quê con tép cũng gầy
Con cua, con cá dính đầy bùn tươi
    Mớ rau muống, mớ mồng tơi
Quả bầu, quả bí nói lời gió sương
    Chênh vênh mái lá bên đường
Ào ào ngọn gió bụi vương trắng bờ…

    Xa quê từ bấy đến giờ
Lòng riêng ai dám hững hờ. Lòng riêng
    Chợ quê- một đốm lửa thiêng
Cháy trong tôi suốt chặng đường ngày xa.



CAO NĂM