Làm giàu từ nuôi gà công nghiệp
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 13:20, 08/02/2012
Về thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường (Thanh Miện), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Liêm là một “trùm gà” với quy mô nuôi hơn 1 vạn con và hệ thống chuồng trại thoáng, hợp vệ sinh.
Anh Liêm đã trải qua nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Theo giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã thì anh là người đầu tiên đưa dịch vụ máy nông nghiệp về địa phương. Với mong muốn thay đổi cuộc sống, năm 2000, anh Liêm đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Trong 5 năm ở xứ người, bên cạnh việc lao động tích lũy vật chất, anh không quên quan sát và học hỏi tập quán chăn nuôi, làm kinh tế của nước bạn. Năm 2005 trở về địa phương, với số vốn có được anh xây chuồng nuôi lợn và đào ao thả cá. Tuy nhiên, không may lứa lợn đầu và lứa thứ 2 của gia đình anh bị dịch tai xanh, không mang lại hiệu quả. Anh Liêm đã “liều” vay vốn ngân hàng và người thân gần 1 tỷ đồng để san lấp ao, xây mới chuồng nuôi gà và lắp đặt các trang thiết bị cần thiết. Thời gian đầu, anh chỉ nuôi mỗi lứa khoảng 2.000 con gà công nghiệp, đến giữa năm 2010 đã phát triển đàn lên hơn 1 vạn con/lứa. Hiện nay, trại gà của anh gồm 2 dãy chuồng khép kín, diện tích mỗi chuồng gần 500 m2, đều có quạt thông gió, máy sưởi và giàn cấp nước uống sạch sẽ. Bên ngoài các khung cửa sổ lớn, anh lắp các vách chắn hình lượn sóng để lưu thông không khí, bảo đảm ấm về mùa đông và mát vào mùa hè cho đàn vật nuôi.
Thành công của anh Liêm xuất phát từ việc đầu tư xây dựng chuồng trại an toàn, hợp vệ sinh. Khi gà lớn, anh Liêm cho dãn đàn, bảo đảm gà luôn có đủ thức ăn. Bên cạnh vốn kinh nghiệm sẵn có, anh thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do các đoàn thể trong xã tổ chức và tiêm phòng vắc-xin cho gà theo đúng lịch. Anh trực tiếp chăm sóc, theo dõi sự phát triển của gà nhằm phát hiện những triệu chứng bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời. Năm 2011, anh Liêm thu lãi hơn 900 triệu đồng từ chăn nuôi gà công nghiệp.
Hộ anh Liêm là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và có nhiều đóng góp cho phong trào địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nông dân học tập.
VĂN TÚ