Phát hiện ca đầu tiên nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 16:13, 15/02/2012

Đó là bệnh nhi nữ mới 2 tuổi ở Cần Đước (Long An). Tuy nhiên, ca bệnh này diễn biến nhẹ và không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người.

 Ngày 15-2, ông Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam vừa phát hiện ca nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Đây là ca cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lần đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Trung tâm cúm quốc gia - Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia khu vực phía Nam đã phát hiện ca nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn.

Đây là bệnh nhi nữ mới 2 tuổi ở Cần Đước, Long An đã được điều trị cúm tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và sau đó khỏi bệnh. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi này đã được xét nghiệm tại phòng xét nghiệm chuẩn thức WHO tại CDC - Hoa Kỳ và đã được xác nhận.

Ông Dương cho biết, đây là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Ca bệnh này diễn biến nhẹ và không có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người.

Theo thống kê của Trung tâm cúm quốc gia, từ 4-2011 đến nay không phát hiện thêm trường hợp mắc mới chủng cúm trên.

Trước ca nhiễm cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn đầu tiên được ghi nhận, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát trọng điểm cúm quốc gia tăng cường giám sát và phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm có nguồn gốc ở lợn trên người; phối hợp với Văn phòng WHO tại Việt Nam tổ chức điều tra dịch tễ trường hợp này.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng cảnh báo nguy cơ cúm A/H5N1 do hiện nay dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm cũng đang xảy ra tại nhiều địa phương trên toàn quốc. Vì thế, để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không giết, mổ gia cầm, lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân. Tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, thịt lợn chưa được chế biến kỹ. Khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, lợn phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Hồng Hải (DT)