AVG nói không với VPF

Trong nước - Ngày đăng : 08:23, 29/02/2012

AVG không bàn giao thương quyền, không trả tiền thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp cho VPF, chỉ làm việc nếu VPF đáp ứng được các điều kiện pháp lý.

Công văn trả lời đúng hẹn ngày 28-2 của AVG là sự từ chối toàn diện các yêu cầu mà VPF đưa ra cách đây một tuần. Chính xác hơn, hai bên vẫn có một sự đồng thuận vẫn được xác lập từ đầu: Về quan điểm, phải "vì lợi ích của bóng đá Việt Nam".

Một tuần trước, AVG và VPF lần đầu tiên ngồi lại giải quyết những bất đồng về việc sở hữu thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Phía VPF đưa ra hai nguyên tắc đề nghị AVG ủng hộ: Để VTV được truyền hình nhiều nhất các trận đấu. Số tiền mà bóng đá Việt Nam nhận được từ AVG cao hơn con số 6 tỷ một năm (luỹ tiến 10% theo năm) như hợp đồng có thời hạn 20 năm mà AVG đã ký với VFF.

Trước đó một ngày, AVG tổ chức họp báo, nội dung xoay quanh bản hợp đồng kể trên. Ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch AVG tuyên bố 100% lợi nhuận từ bản hợp đồng này được dùng để hỗ trợ thể thao Việt Nam theo tỷ lệ: VFF 30%, Quỹ hỗ trợ vận động viên 30%, thể thao thành tích cao 20%, thể thao quần chúng 20%. Ông Vũ sau đó còn tuyên bố, AVG sẵn sàng nhường hợp đồng truyền hình V-League nếu VPF bán được hơn 70 tỷ đồng trong 3 năm như thông tin mà ông bầu Đoàn Nguyên Đức từng tiết lộ.

Đúng hẹn một tuần, AVG đã có công văn trả lời những đề nghị của VPF. Ngoài sự đồng ý về quan điểm cần tính tới lợi ích của bóng đá Việt Nam mà VPF đưa ra, AVG khẳng định chỉ đàm phán về bản quyền nếu VPF đáp ứng hai yêu cầu: Được VFF uỷ quyền khai thác thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch phê duyệt quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi, bổ sung. VPF phải cam kết tôn trọng hợp đồng mà AVG và VFF đã ký.

Cùng với những khẳng định này, AVG nói không với toàn bộ nội dung mà VPF đề nghị như: Để VTV độc quyền nắm giữ thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam, làm việc với VFF để giao lại quyền khai thác thương quyền cho VPF. Về đề nghị làm thế nào để bóng đá Việt Nam nhận được cao hơn 6 tỷ đồng (luỹ tiến 10% năm), AVG hứa sẽ trả lời sau khi trao đổi với hai nhà đài VTV và VTC. AVG cũng lưu ý, VFF chứ không phải VPF mới là đơn vị thụ hưởng tiền thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam mà công ty này trả.

Theo AVG, họ đã có kế hoạch làm việc với VTV và VTC theo hướng cả ba đơn vị cùng khai thác, thậm chí cùng nhận chuyển nhượng từ VFF, thương quyền các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. AVG cho rằng, VPF có quyền khiếu nại nhưng trong mọi trường hợp, cả VPF lẫn VFF đều phải tôn trọng hợp đồng đã ký với AVG.

Khoa Nguyễn (VnE)