Xây dựng chi bộ tốt để Đảng mạnh
Tin tức - Ngày đăng : 09:04, 01/03/2012
"Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình" là một trong nhiều giải pháp được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) nhấn mạnh, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng.
Chi bộ, nhất là chi bộ khu dân cư, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên, là cầu nối giữa dân với Đảng. Do đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư là một vấn đề cần quan tâm để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: "Đảng mạnh là do chi bộ tốt". Vì vậy, xây dựng chi bộ tốt, nhiều đảng viên xuất sắc, gần dân, năng lực, phẩm chất tốt là vấn đề cấp thiết và lâu dài để thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI).
Để chuẩn bị cho buổi sinh hoạt chi bộ sôi nổi hiệu quả, chi uỷ, chi bộ cần bám sát nghị quyết của cấp uỷ cấp trên, của chi bộ để bàn những vấn đề cụ thể, thiết thực của thôn, khu dân cư, của địa phương, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đưa giống mới vào sản xuất, chăn nuôi; phong trào xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, bài trừ các hủ tục, tệ nạn xã hội; vấn đề thu gom rác thải, sửa chữa đường nước, mương máng nội đồng, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó là công tác phát triển đảng, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng.
Để chi bộ bàn được những vấn đề thiết thực, chi ủy phải họp, chuẩn bị những nội dung cụ thể trước khi họp chi bộ. Muốn làm được điều này, các chi ủy viên phải dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu về công tác Đảng và nhất là lựa chọn vấn đề mà nhiều đảng viên và nhân dân quan tâm đến việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Chi uỷ phải chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của đảng viên thông qua gặp gỡ, tiếp xúc, trò chuyện để đảng viên hiểu, chia sẻ. Đồng thời, giao việc cụ thể cho đảng viên, để đảng viên nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Đặc biệt, bí thư chi bộ, tổ dân phố cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng mới kết luận về những ý kiến khác nhau, thậm chí ngược nhau để làm cơ sở cho chi bộ bàn và ban hành nghị quyết. Thực tế cho thấy, những chi bộ chuẩn bị tốt nội dung họp, phân công trách nhiệm rõ ràng thì không những nội dung sinh hoạt hấp dẫn, thiết thực mà việc tập hợp, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng cũng có nhiều thuận lợi, đảng viên đi đầu gương mẫu thực hiện chủ trương đường lối chính sách, quần chúng học tập noi theo.
Trên tinh thần hướng tới xây dựng nhiều chi bộ tốt, tổ chức đảng các cấp cần xác định đúng vị trí, vai trò của chi bộ; tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với những chi bộ yếu kém; thực thi kỷ luật đảng với những bí thư, cấp ủy không hoàn thành nhiệm vụ; tiếp tục đẩy mạnh việc phân công cấp ủy viên xuống sinh hoạt, theo dõi, chỉ đạo và “vực” chất lượng sinh hoạt của những chi bộ chưa thực sự vững mạnh. Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở mỗi chi bộ đóng vai trò hết sức quan trọng. Trên cơ sở Điều lệ Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ, cấp ủy viên phải xác định rõ hơn trách nhiệm của mình trong tham gia xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh.
LỤC VĂN (Bình Giang)