Xử lý nghiêm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:59, 14/03/2012
Ông Nguyễn Thanh Sơn |
PV:Ông đánh giá thế nào về thông tin Beta-Agonists có trong thịt lợn bán tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Trên mẫu kiểm tra thức ăn chăn nuôi năm 2010 và 2011 tại các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn chúng tôi không phát hiện ra các chất cấm.
Vừa qua, việc phát hiện các mẫu chất cấm trong nước tiểu và máu chủ yếu là của đàn lợn nuôi tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ở Đồng Nai, điều này cho thấy có thể do người nuôi sử dụng trực tiếp.
Hơn nữa, thời gian qua cũng có hiện tượng một số thương lái khuyến cáo người chăn nuôi sử dụng chất cấm để kiếm lợi nhuận. Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương kiểm tra xử lý tình trạng này.
Hiện, các cơ quan chuyên môn đang lấy mẫu tại một số tỉnh phía Nam, vào cuối tháng 3/2012 hy vọng sẽ có thông tin để công bố tỷ lệ nhiễm chất Beta-Agonists trên đàn lợn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn khuyến cáo tới người tiêu dùng là không phải tất cả thịt lợn nạc đều nhiễm độc.
Hiện nay, chúng ta có rất nhiều giống lợn có năng suất cao, tỷ lệ nạc lên tới 64%. Người tiêu dùng nên mua loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không nên mua loại thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, có màu quá đỏ và độ nạc cao một cách bất thường...
PV:Thông tin về chất tạo nạc Beta-Agonists đã gây ảnh hưởng thế nào đến ngành chăn nuôi, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Hiện giá thịt lợn tại miền Nam bị giảm khoảng 10 - 15%, nếu tiếp tục đà này, người chăn nuôi sẽ lại ngại tái đàn và kịch bản “sốt giá” sẽ lại diễn ra như khoảng tháng 7/2011.
Ảnh minh họa |
PV: Để ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chúng ta cần có những biện pháp gì?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Người sử dụng chất cấm có thể bị xử lý hành chính theo mức từ 10 - 40 triệu đồng. Nghị định 08 của Chính phủ quy định cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm chứa chất cấm nguy hiểm sẽ bị xử phạt hành chính bằng tiền, thông báo trên báo đài, rút giấy phép kinh doanh 6 tháng, thu hồi và tiêu hủy chất cấm và vật nuôi tang vật. Cơ sở giết mổ phải chịu trách nhiệm chi trả các chi phí này.
Bộ luật Hình sự quy định các đối tượng mua bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù từ 3 - 5 năm.
Bộ NNPTNT đã ban hành Thông tư 55 hướng dẫn chi tiết việc này song theo văn bản hiện hành thì tính răn đe chưa cao, mang tính phòng ngừa là chính. Vì vậy, tới đây chúng tôi sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để có những hình phạt đích đáng với các đối tượng sản xuất, lưu hành và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Beta-Agonists là nhóm hormon tăng trưởng (như clenbuterol, salbutamol) có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Trước đây nó được dùng trong chăn nuôi để kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều vụ ngộ độc và tai biến do ăn thịt chứa Beta-Agonists được phát hiện. Vì thế, chất này đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi ở Việt Nam từ năm 2002. Tương tự, trên thế giới, Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) cấm sử dụng chất này trong chăn nuôi bởi tính nguy hại của nó đối với sức khỏe con người. |
Đỗ Hương (Chinhphu)