Tái cấu trúc: Nhiều lãnh đạo ngân hàng “ra đi”?
Thị trường - Ngày đăng : 09:29, 03/04/2012
Danh sách thay thế các vị trí cao cấp tại nhiều ngân hàng tiếp tục thêm dài sau khi LienVietPostBank công bố thay Tổng giám đốc.
LienVietPostBank công bố thay Tổng giám đốc
Chưa lần nào thị trường tài chính lại chứng khiến nhiều cuộc ra đi của các lãnh đạo cao cấp tại ngân hàng như thời điểm này.
Gần đây nhất, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) có phát đi thông tin HĐQT đã chấp nhập đơn từ chức Tổng giám đốc của ông Lê Hồng Phong và đề cử ông Phạm Doãn Sơn thay thế vị trí này.
Trước đó, hồi đầu tháng 1-2012, Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank) cũng ra thông báo chấp thuận cho ông Đặng Đức Toàn được miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc. Ngân hàng TMCP Tiền Phong (TienPhongBank) cũng đã có Nghị quyết miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc đối với ông Vũ Tú.
Ngân hàng VIB cũng ra thông báo bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa vào vị trí tổng giám đốc. Danh sách thay đổi lãnh đạo cao cấp vẫn tiếp tục kéo dài qua các ngân hàng như Techcombank, với việc bổ nhiệm tổng giám đốc ngoại ông Simon Morris thay cho ông Nguyễn Đức Vinh, Ngân hàng Maritiemban, ABBank, BaoVietBank…cũng đã có thông báo về thay đổi và bổ nhiệm vị trí tổng giám đốc mới.
Theo một số chuyên gia kinh tế, việc “đổi ngôi” trong thời gian qua của các ngân hàng là do sức ép vào mùa đại hội cổ đông. Bên cạnh đó sức cạnh tranh khốc liệt cùng với những yêu cấu về tái cấu trúc từ Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng tìm cách xoay đổi “vận hạn”.
Nguyên Thống đốc NHNN, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc thay đổi lãnh đạo cấp cao tại các ngân hàng TMCP trong thời gian qua là do theo quy định mới của NHNN, các ngân hàng phải cơ cấu đủ thành phần số lượng, cơ cấu, đảm bảo hệ số an toàn. Bên cạnh đó cũng liên quan tới việc tái cơ cấu. “Sau khi đánh giá chất lượng hoạt động của ngân hàng, điều đầu tiên họ muốn là thay đổi hình ảnh, mô hình tổ chức để có thể củng cố, nâng chất lượng , tạo vị thế cho họ. Thay đổi một số lãnh đạo, đặc biệt là những người có vị trí quan trọng như là chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc cũng là một trong những động tác nằm trong tái cơ cấu…”, TS Cao Sỹ Kiêm nói.
Những động thái trên của các ngân hàng đều nhằm tới mục đích để đảm bảo cho việc tái cơ cấu mang lại lợi thế hơn cho ngân hàng đó. Thêm nữa, theo TS Kiêm: “cũng đảm bảo cho họ được chủ động làm trước trong tái cơ cấu của ngân hàng. Bởi, theo nội dung tái cấu trúc của NHNN có rất nhiều vấn đề, một là sắp xếp lại một số ngân hàng yếu kém, nâng cấp một số ngân hàng đang hoạt động để có hiệu quả hơn; Thứ hai nữa là qua đây những ngân hàng bộc lộ yếu kém mà họ không tự sắp xếp thì bắt buộc NHNN phải có những cơ chế cưỡng chế để họ phải làm cho tình hình hoạt động tốt hơn..vv.. đó là những động cơ buộc các ngân hàng phải củng cố, sắp xếp đổi mới nhân sự”.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế khác, thay đổi cơ cấu lãnh đạo tại các ngân hàng TMCP là bình thường bởi thực tế hiện nay đòi hỏi các ngân hàng phải tăng sức cạnh tranh hơn. Nguyện vọng cá nhân của mỗi lãnh đạo sau khi từ chức cũng đều với mục đích để ngân hàng hoạt động tốt hơn và bản thân họ cũng muốn tìm cơ hội ở những vị trí khác phù hợp hơn. Tất nhiên kèm theo việc “ra đi” của các lãnh đạo cấp cao là những lợi ích giữa các bên có thể bị “lung lay”, bởi tài sản của nhiều cổ đông đều được nắm giữ bởi các vị trí quan trọng này.
Lãnh đạo một ngân hàng cho rằng, một trong những nội dung của tái cấu trúc hiện nay là thay đổi tư duy quản lý từ các cấp lãnh đạo . Theo bà Lê Thị Vân Châu (VietinBank), tái cấu trúc phải được bắt đầu bằng việc “tái lập chính mình” ở cấp lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp.Các ngân hàng thương mại trong nước cũng phải nhanh chóng làm một cuộc “cách mạng” về tái cấu trúc. Nếu cứ chần chừ, các ngân hàng trong nước khó thoát khỏi tình trạng bị các ngân hàng nước ngoài qua mặt.
Chỉ trong vòng vài năm, một số ngân hàng nước ngoài như HSBC, ANZ… mỗi ngân hàng chỉ có chưa đầy ba chi nhánh nhưng đã trở thành những ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam với sản phẩm thực sự đa dạng, luôn hướng đến những sản phẩm tiện ích mới, năng động, tiện dụng nhất và phong cách phục vụ của một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, hiện đại, lịch sự. Trong khi đó, hàng chục ngân hàng trong nước với hàng trăm chi nhánh khắp mọi nơi đã không thể làm gì được ngoài việc liên tục bị lấn sân, mất thị trường.
ĐINH BÁCH(VnMe)