Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:12, 09/04/2012
Học sinh ngày nay rất hạn chế trong việc giao tiếp. Thực tế cuộc sống cho thấy, có nhiều trẻ nhút nhát, thiếu mạnh dạn trong các hoạt động học tập, vui chơi và sinh hoạt cộng đồng. Các em thường e dè, ít nói, đỏ mặt trước đám đông. Trong học tập, các em ngại phát biểu, dè dặt trước bạn bè, diễn đạt không trôi chảy…
Chính vì thế, khi trẻ bắt đầu nhận biết, hiểu được lời chỉ bảo, răn dạy của người lớn là lúc cha mẹ nên dạy cho trẻ cách ứng xử chuẩn mực. Khi trẻ chưa có thói quen hoặc không nghe theo, cha mẹ cần phân tích cho các em nhận ra điều hay lẽ phải, tránh giận dữ, dùng roi vọt, ép buộc. Dần dần thói quen ấy sẽ ăn sâu vào đầu trẻ, cứ gặp những tình huống cần giao tiếp là các em tự giác hành xử theo những phép tắc, chuẩn mực.
Cha mẹ hãy cho phép trẻ cơ hội vận dụng đầu óc suy nghĩ giải quyết rắc rối của bản thân với các bạn bè, bởi nhờ đó về sau trẻ mới sẵn sàng đương đầu cùng các phức tạp khác trong cuộc sống. Luôn khuyến khích tinh thần tự lực, nhưng khi thấy trẻ đang bối rối không tìm ra được giải pháp tối ưu, bạn hãy cho trẻ “quyền trợ giúp hỏi người thân”. Hãy cho trẻ hiểu rằng việc nhờ một ai đó giúp sức sau khi bản thân đã suy nghĩ mà vẫn không tìm ra được giải pháp là hoàn toàn đúng đắn và được hoan nghênh.
Ngoài ra, cha mẹ hãy tìm nhiều cơ hội trò chuyện cùng với con trẻ. Như khi dừng để chờ tín hiệu giao thông là những cơ hội tốt để khuyến khích trẻ nhận xét và nói lên cảm tưởng về người và việc xung quanh hay ngay cả những khi dừng chân ăn uống hay mua sắm. Hãy tận dụng tất cả những dịp tốt để bạn cho thấy sự quan tâm, gần gũi của mình với trẻ. Việc nêu các câu hỏi về sự việc đang diễn ra xung quanh sẽ giúp trẻ có được cho mình những nhận thức đáng kể.
Nhà trường cũng cần tạo cơ hội cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, chú trọng học tập theo hình thức hoạt động nhóm, tạo nhiều cơ hội để trẻ thể hiện mình. Phát triển kỹ năng giao tiếp tốt cho trẻ sẽ giúp các em tự tin trong học tập, có khả năng làm việc theo nhóm, không nhút nhát, rụt rè trước đám đông, biết mạnh dạn nêu ý kiến, quan điểm của mình...
Hình thành được kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho trẻ đã khó, giữ nó còn khó hơn. Thế nên, lời nói, cách hành xử, xử sự của người lớn cũng cần phải đặc biệt chú ý, phải mẫu mực. Tấm gương của người lớn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giúp trẻ có kỹ năng giao tiếp.
Khi có kỹ năng giao tiếp, trẻ dễ dàng trong các mối quan hệ xã hội, tronghọc tập, nó sẽ góp phần không nhỏ vào những thành công trong cuộc sống của các em về sau.
HUỲNH HIẾU(Vĩnh Long)