Những “kho tàng sống” cần được vinh danh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:50, 23/04/2012
Phần lớn cuộc đời các nghệ nhân làng nghề đã âm thầm công hiến cho nghề bằng tất cả lòng đam mê, nhiệt thành...
Hằng ngày, nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn miệt mài với nghề gốm
Chúng tôi tìm gặp nghệ nhân thêu vang danh một thời Phạm Văn Hiển ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) thì mới biết ông đang lâm bệnh nặng. Năm nay đã ở tuổi 90, tinh thần còn minh mẫn nhưng sức khỏe suy yếu nhiều nên ông Hiển chỉ có thể nằm trên giường tiếp chuyện chúng tôi. Hiện nay, ông là nghệ nhân duy nhất còn lại của xã Hưng Đạo có biệt tài thêu truyền thần. Với hơn 70 năm làm nghề, ông đã đi khắp mọi miền, mở nhiều lớp truyền nghề thêu cho nhân dân. Đến nay, hàng nghìn học trò được ông dìu dắt đã thành thợ giỏi, mở doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố. Cũng chính nhờ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo mà ông Hiển nhiều lần được gặp các vị lãnh đạo cao cấp trong và ngoài nước. Kể về quá khứ, ông Hiển luôn hồ hởi, tự hào nhưng khi nhắc đến hiện tại, ông không khỏi chạnh lòng. Ông cho biết. "Gần thế kỷ qua, tôi sống với đường kim, mũi chỉ, cống hiến cho nghề, đóng góp cho xã hội nhưng bây giờ ốm đau không một ai đến thăm hỏi, động viên. Cũng thấy buồn lắm! Con cháu trong nhà đều chuyển sang làm việc khác hết rồi vì không sống được với nghề".
Rời nhà nghệ nhân Phạm Văn Hiển, chúng tôi tìm đến họa sĩ Hạ Bá Định, người đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề gốm sứ. Nhắc đến ông, nhiều người nhớ ngay tới những tác phẩm đã đoạt giải cao trong các cuộc triển lãm về gốm như: Gọi xuân, Tình rừng, Gốm nâu, Nhộn nhịp, Rồng rắn lên mây, Côn Sơn, Tình Việt... Hiện nay, dù bận rộn với vai trò Chi hội trưởng Hội mỹ thuật Việt Nam tỉnh Hải Dương, Phó ban Mỹ thuật Hội Văn học nghệ thuật tỉnh nhưng họa sĩ Định vẫn không ngừng say mê sáng tác. Tại nhà riêng của ông ở khu đô thị mới An Phú 1, phường Tân Bình (TP Hải Dương), chỗ nào cũng thấy gốm. Phần lớn diện tích ngôi nhà là để dùng cho việc thiết kế, sáng tạo gốm và tranh. Mặc dù đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng hằng ngày nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn chạy đi, chạy lại giữa 2 làng gốm Cậy (Bình Giang) và Chu Đậu (Nam Sách) để tư vấn, truyền đam mê cho lớp trẻ. Ông cũng là người góp công trong việc khôi phục gốm Chu Đậu sau 400 năm thất truyền. Trong cuộc đời mình, ông đã chỉ bảo, hướng dẫn nghề cho hàng nghìn người. Với những đóng góp đó, năm 2010, họa sĩ Hạ Bá Định đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân gốm. Ông Định cho biết, để gắn bó với nghề, người thợ phải yêu nghề, làm nghề bằng cái tâm của mình. Niềm vui của ông Định là việc 2 người con của ông đều nối nghiệp cha. Khi chúng tôi hỏi ông có thấy buồn khi những cống hiến của mình chưa được ghi nhận một cách xứng đáng, ông Định mượn 2 câu thơ của cổ nhân để chia sẻ về cái "nghiệp làm gốm" mà gia đình ông đang dựng xây, vun đắp: "Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ/Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh" (Người đời ai chẳng có nghề/Cốt sao ghi được tấm lòng tốt lưu truyền trong sử sách).
Những nghệ nhân như ông Hiển cần được sự quan tâm hơn nữa của xã hội
Nghệ nhân là những "kho tàng sống" lưu giữ và truyền nghề ở các làng nghề. Hiện nay, một số người đã quá cố, số còn lại cũng đều tuổi cao, sức yếu. Vì thế, cần thúc đẩy nhanh hơn nữa việc phong tặng danh hiệu, có những đãi ngộ xứng đáng để tôn vinh và khuyến khích họ cống hiến nhiều hơn. Đó cũng là việc làm cần thiết, tạo động lực cho thế hệ trẻ theo đuổi, phát triển nghề của cha ông.
HOÀNG BIÊN