Vẫn xa tầm tay nông dân

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:43, 01/05/2012

Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, hầu hết nông dân vẫn chưa thể mua được "tấm vé" bảo hiểm cho cây lúa, con lợn của mình.

Sau 8 tháng thực hiện Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), hầu hết nông dân vẫn chưa thể mua được "tấm vé" bảo hiểm cho cây lúa, con lợn của mình.

Tham gia bảo hiểm sẽ… lỗ

Đối với người dân đất lúa Thái Bình, câu chuyện về mua bảo hiểm cho cây lúa ngỡ cứ như là mơ. Song sau sự háo hức ban đầu, nhiều người nông dân ở đây lại phải thất vọng. Chị Bùi Thị Mùi, ở xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có gần 1 mẫu ruộng vốn đã phải gánh đủ thứ chi phí, nay lại "mọc" ra phí bảo hiểm, nên chi rất lo lắng.

Vướng mắc về phí đóng góp đã khiến người dân chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp (ảnh minh hoạ)

Để mua phí bảo hiểm cho cây lúa, mỗi vụ chị phải nộp 20.000 đồng/sào, tức 40.000 đồng/năm (tương đương 10kg thóc). Như vậy, nếu tham gia bảo hiểm, chị Mùi phải đóng đến 400.000 đồng cho 1 mẫu ruộng. Chị Mùi cho biết: "Nếu cộng thêm các khoản chi phí như cày bừa, cấy, phân đạm, thuốc trừ sâu, công chăm sóc và thu hoạch thì hết, không có lời".

Là thành viên trong ban chỉ đạo triển khai bảo hiểm nông nghiệp của xã , ông Phạm Hữu Lăng - Trưởng thôn Kiến Xá, xã Nguyên Xá (Vũ Thư - Thái Bình) rất tích cực trong việc tuyên truyền vận động nông dân tham gia BHNN.

"Tôi thường xuyên ra tận ruộng, thậm chí "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để phát phiếu và giải thích về BHNN cho bà con. Phần lớn người nông dân đều cho rằng do phí bảo hiểm quá cao, nên chẳng mấy ai tham gia". Hiện cả thôn Kiến Xá có 700 hộ, canh tác 106ha lúa, trong đó có 34 hộ nghèo, dù đã được được miễn phí BHNN, nhưng sau gần 9 tháng triển khai, thôn vẫn không nhận được bất cứ một tờ đơn đăng ký tham gia bảo hiểm nào của người dân".

Cũng giống như cây lúa, những người chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mua bảo hiểm. Ông Hồ Văn Lin, ở thôn Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) làm nghề nuôi bò đã nhiều năm, nên khi biết sẽ có bảo hiểm cho bò, ông phấn khởi lắm. Nhưng khi nghe "phổ biến" về phí bảo hiểm, ông mới ngã ngửa.

Theo tính toán, nếu tham gia bảo hiểm cho 1 con bò, dù đã được Nhà nước hỗ trợ 60%, ông vẫn phải đóng 240.000 đồng/năm, đối với lợn thịt là 120.000 đồng/con. Ông Lin phân tích: "Đối với một con lợn thịt, nếu giá cả thị trường thuận lợi, lãi được khoảng 100 đến 300.000 đồng/con, nếu mua phí như trên, thì còn gì là lãi.

Ông Trương Công Thắng- Trưởng phòng chăn nuôi (Sở NNPTNT Vĩnh Phúc) cũng thừa nhận: "Mức phí bảo hiểm đối với vật nuôi là quá cao, như đối với lợn thịt theo quy định phải đóng tới 300 nghìn đồng/con, nuôi trong khoảng 4 tháng, trong khi xuất bán trừ chi phí người dân chỉ lãi khoảng 100.000 đồng. Với những hộ không diện nghèo được nhà nước hỗ trợ 60% phí cũng vẫn phải đóng 120.000 đồng là không khả thi”.

Chỉ đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp

Việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người nông dân nhưng theo phản ánh của các địa phương, cơ chế bảo hiểm hiện nay mới chỉ đảm bảo tính an toàn cho các công ty bảo hiểm.

Anh Đặng Hùng Phong, ở thôn Lão Giữa, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) làm nghề nuôi bò sữa nhiều năm đánh giá, quy định bảo hiểm hiện nay chẳng khác nào đánh đố. Chẳng hạn, một con bò sữa có giá khoảng 40 triệu, nếu chết thì chỉ bán được khoảng 6 triệu, tức là mất luôn cả lời nhuận của nửa năm. Trong khi, bò vàng lấy thịt, nếu có chết người ta bán thịt một con bò với mức trung bình 1,5 tấn thịt với giá 16.000 đồng/kg cũng được hơn 20 triệu đồng, cần gì phải tham gia bảo hiểm với mức đền bù có 15 triệu theo quy định.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp lên tới 17.000-20.000 tỷ đồng ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người nông dân. Các thiệt hại chủ yếu liên quan đến bão, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

TS. Đỗ Đức Định - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế xã hội Việt Nam cho rằng: "Không như bảo hiểm thân thể, bảo hiểm đối với cây trồng, vật nuôi sẽ là một thử thách đối với đơn vị trực tiếp thực hiện BHNN và các địa phương thí điểm bởi cách thức xác định thiệt hại để có mức đền bù phù hợp là không dễ dàng, trong khi nhiều yếu tố xác định cũng chỉ mang tính định lượng".

Lý giải về những bất cập trong thực hiện BHNN, một lãnh đạo của Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho hay: Mức phí và mô hình BHNN đã được nghiên cứu kỹ trong 2 năm trước khi trình Chính phủ. Phí bảo hiểm phụ thuộc độ rủi ro, trong khi BHNN rủi ro cao, thì phí cũng cao. Khi tìm hiểu cụ thể chính sách này ở địa phương vì sao triển khai gần 1 năm chưa hiệu quả mới thấy, chính người nông dân không mặn mà do chính sách chỉ tính tới việc đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp.

Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) cho biết: "Sau gần 1 năm triển khai BHNN, đến nay cho thấy đã xuất hiện nhiều vấn đề vướng mắc về mức phí và đối tượng, phạm vi bảo hiểm, nên cần phải rà soát lại chính sách để điều chỉnh cho phù hợp. Dự kiến, Ban chỉ đạo BHNN sẽ họp lại trong thời gian tới để thống nhất các phương án điều chỉnh chính sách này.