Chủ động phòng, chống dịch tai xanh
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:32, 07/05/2012
Dịch tai xanh hiện đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện tại 47 xã của 13 huyện, thị xã thuộc 5 tỉnh và có chiều hướng lây lan trên diện rộng.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu nhất trong phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn.
Trong ảnh: Cán bộ Thú y xã Thượng Vũ (Kim Thành) tiêm phòng cho đàn lợn
Bà Vũ Thị Duy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Giàng cho biết: để chủ động đối phó với dịch tai xanh năm nay, huyện Cẩm Giàng đã triển khai nhiều biện pháp. Ngày 15-4 vừa qua, trong cuộc họp giao ban với cán bộ thú y các xã, thị trấn, huyện đã triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn của Chi cục Thú y về phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn. Huyện phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ thú y huyện. Người phụ trách khu vực có trách nhiệm phối hợp với cán bộ thú y xã thường xuyên xuống nắm thông tin tại các hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm dịch bệnh, tập trung vào các ổ dịch cũ, những hộ chăn nuôi với số lượng lớn. Không để người dân tự chữa trị, bán chạy làm dịch lây lan. Tập trung tuyên truyền các dấu hiệu của dịch để người dân dễ nhận biết. Huyện đẩy mạnh công tác tiêm phòng. Vụ xuân năm nay, toàn huyện tiêm được 93,7% các loại vắc-xin trên đàn lợn. Hằng tháng, cán bộ thú y đều thống kê số lợn phát sinh để tiêm phòng bổ sung. Đến nay, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Giàng vẫn ổn định.
Huyện Gia Lộc cũng triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch tai xanh trên đàn lợn. Theo thống kê, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 50 nghìn con lợn, trong đó trên 6.000 lợn nái. Huyện yêu cầu cán bộ thú y các xã, thị trấn nắm chắc số lượng để theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi. Đài Phát thanh huyện tăng thời lượng tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống, nhận biết dịch. Trạm Thú y huyện khuyến cáo người dân không nên nhập lợn trong thời điểm này, nhất là lợn ở một số tỉnh lân cận đang có dịch như Nam Định, Phú Thọ… Nếu nhập lợn cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như cách ly, tiêm các loại vắc-xin phòng các bệnh kế phát. Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc, thu gom chất thải, xử lý đúng quy định.
Dịch tai xanh hiện đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện tại 47 xã của 13 huyện, thị xã thuộc 5 tỉnh và có chiều hướng lây lan trên diện rộng. Trong khi đó, từ tháng 4 đến tháng 6 là thời điểm thuận lợi cho mầm bệnh còn tồn lưu ở môi trường phát triển, gây bệnh, phát thành dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp. Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm các cấp được kiện toàn, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Huy động các tổ chức đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh…phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y, chủ động giám sát từng hộ chăn nuôi, cơ sở buôn bán vận chuyển và các chợ có buôn bán lợn, tránh tư tưởng chủ quan lơ là trong việc phòng, chống dịch bệnh tai xanh. Khi phát hiện lợn có dấu hiệu của bệnh tai xanh, khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng vắc- xin tai xanh và các loại vắc-xin dịch tả, tụ dấu, phó thương hàn... cho đàn lợn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, giết mổ gia súc, kiểm tra vệ sinh thú y. Thường xuyên thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về sự nguy hại của dịch bệnh tai xanh, các biện pháp phòng trừ tổng hợp để người dân được biết và thực hiện.
PV