"Thả nổi" các bài hát ẻo lả, ủy mị

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 09:12, 10/05/2012

Các nhà quản lý văn hóa cần sớm chấn chỉnh, đưa vào các lễ hội, ngày cưới của lớp trẻ những bài hát trong sáng, tạo niềm tin cho giới trẻ.

Sau ngày 30-4-1975 trong các hội làng hay ngày tổ chức lễ cưới, ở đâu cũng gặp những bài hát hướng về phong trào thanh niên xung phong đi khai hoang, phục hóa, tình nguyện đi mở mang những vùng đất mới nơi biên giới, hải đảo. Ấn tượng sâu sắc không thể quên khi được nghe một số bài hát như: "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Trị An âm vang mùa xuân", "Làng quan họ quê tôi"... đã làm xúc động lòng người, tạo niềm tin, xây dựng lý tưởng cao đẹp vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Trong mấy năm gần đây, cứ vào các dịp hội làng, các ngày tổ chức đám cưới, những bài hát trẻ trung, sôi nổi, có tác dụng động viên thanh niên sống tốt hơn ngày càng trở nên hiếm hoi. Thay vào đó là những bài hát ủy mị, than khóc cho tình yêu như: "Tình xa khuất", "Mưa phi trường", "Đưa người về nơi giá băng", "Dốc hết tình này ta trả nợ người"... Đây là những bài hát thể hiện sự bế tắc, thất vọng, chán chường trong cuộc sống của một số thanh niên.

Âm nhạc "thực dụng" đang làm cho một số thanh niên thoát ly thực tiễn cuộc sống, chạy theo "mốt" đua đòi, xa hoa, lãng phí. Cách hưởng thụ âm nhạc ẻo lả, ủy mị là sự bộc lộ kiểu sống thực dụng, sống gấp, chỉ ngộ nhận "hạnh phúc" là biết cách ăn chơi, yêu đương và... thất tình, trong khi đất nước với hàng chục triệu thanh niên ở khắp mọi miền đang ngày đêm lao động, sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp chung. Vì thế, ở các hội làng, những ngày cưới không thể tùy tiện tung ra "nhạc sống", "nhạc chín" thiếu lành mạnh. Sự lệch lạc này rất cần các nhà quản lý văn hóa quan tâm phối hợp với Đoàn Thanh niên các cấp sớm chấn chỉnh, đưa vào các lễ hội, ngày cưới của lớp trẻ những bài hát trong sáng, tạo niềm tin cho giới trẻ.

NGUYỄN HUY THỰC
(Chí Linh)