Bệnh viêm da ở Quảng Ngãi không lây từ người sang người
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 17:42, 15/05/2012
Ảnh: VGP/Mai Chi |
Bộ Y tế tích cực vào cuộc
Bộ Y tế cho biết, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân được ghi nhận từ ngày 19/4/2011. Ngay sau khi nhận được thông tin, từ tháng 4/2011 đến tháng 6/2011, Bộ Y tế đã cử 2 Đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Phong - Da liễu Quy Hòa phối hợp với Sở Y tế Quảng Ngãi điều tra xác minh tình hình bệnh và tiếp nhận bệnh nhân về điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và Bệnh viện Phong – Da liễu Quy Hòa. Trên cơ sở đó Bộ Y tế xây dựng, ban hành phác đồ điều trị.
Từ tháng 6/2011 đến tháng 4/2012, Bộ Y tế tiếp tục cử các đoàn điều tra lấy mẫu để có định hướng tìm căn nguyên. Từ ngày 25-28/4/2012, đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng 35 các chuyên gia của các Viện hệ y tế dự phòng, viện đầu ngành về điều trị điều tra để định hướng các nhóm căn nguyên, liên quan tới hội chứng viêm da dày sừng bàn tay và bàn chân tại huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi và chỉ đạo quyết liệt các biện pháp cấp bách giảm tử vong và giảm số người mắc.
Đầu tháng 5/2012, Bộ Y tế đã hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức điều tra, can thiệp xác minh căn nguyên gây hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân tại tỉnh Quảng Ngãi. Bộ đã cử các đơn vị trực thuộc Bộ bao gồm các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh; Viện SR-KST-CT, Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, Cục Y tế dự phòng, các chuyên gia ngành Y tế Quảng Ngãi với 70 cán bộ nghiên cứu tiến hành điều tra, can thiệp tại thực địa gồm các nhóm điều tra về dịch tễ học, bệnh học, côn trùng và môi trường, thu thập các mẫu nước, đất, mẫu máu, mẫu phân để xét nghiệm tìm căn nguyên và các yếu tố liên quan và tiến hành các biện pháp can thiệp dự phòng tại cộng đồng.
Đến nay việc điều tra trên thực địa đã hoàn tất và tiếp tục triển khai nghiên cứu trên la - bô của Việt Nam và các tổ chức quốc tế.
Không phải bệnh truyền nhiễm
Các đợt điều tra, khảo sát và đánh giá các mẫu xét nghiệm mà Bộ Y tế đã tiến hành trong thời gian qua tại Quảng Ngãi cho thấy, bệnh được ghi nhận ở 5 xã nhưng tập trung ở xã Ba Điền (95,1%), đặc biệt là ở làng Rêu (106 người), có 7 hộ có 100% thành viên trong gia đình đều mắc bệnh. Tất cả bệnh nhân đều là người dân tộc H’re.
Bệnh có biểu hiện là viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Hầu hết bệnh nhân có men gan tăng trên cơ địa tình trạng dinh dưỡng kém, thiếu máu là phổ biến. Tuy nhiên, không thấy các yếu tố chứng tỏ là bệnh truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn) do không có hội chứng nhiễm trùng. Xét nghiệm xác định các mẫu máu bị bệnh tại Trường Đại học Nagasaki bằng kỹ thuật Pyro - sequencing so sánh với ngân hàng gen trên 240 loài vi rút, vi khuẩn cho thấy, không có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó cũng chưa tìm thấy bằng chứng về các mối nguy cơ do vi khuẩn, vi rút từ các mẫu xét nghiệm đất, nước, lương thực thực phẩm. Có nhiều cá thể ve, mò mạt, bọ chét trong môi trường và vật nuôi.
Cũng chưa có bằng chứng cho thấy bệnh nhiễm từ không khí, chưa tìm thấy bằng chứng nhiễm bệnh từ nguồn nước và không tìm thấy bằng chứng lây từ người sang người.
Các kim loại nặng bao gồm cả arsen, chì, thủy ngân, cadimi, đồng và một số kim loại khác ở mức giới hạn cho phép trong số các mẫu đất, nước, lương thực kể cả các mẫu máu, tóc, móng tay, vảy da đã xét nghiệm.
Không phát hiện thấy hóa chất bảo vệ thực vật bao gồm họ carbamate, chlor hữu cơ, phosphor hữu cơ họ cúc tổng hợp tại các mẫu đất, nước, gạo đã xét nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, qua khảo sát và tiến hành xét nghiệm có thấy nhiều loại nấm mốc và phát hiện thấy Aflatoxin trong các mẫu lúa ủ, gạo ủ đã xét nghiệm (Aflatoxin được y văn nói tới là tác nhân gây ra tổn thương gan, ung thư gan) cao gấp 5-6 lần.
Mặt khác, các hội đồng khoa học xác định, hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân khiến người ta nghĩ nhiều đến nguyên nhân nhiễm độc trên cơ địa người bệnh có tình trạng dinh dưỡng kém.
Đẩy mạnh các biện pháp giảm số người chết, số người mắc
Ngay từ khi phát hiện bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện C Đà Nẵng cử nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn về Trung tâm y tế Ba Tơ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để hỗ trợ chuyên môn tại chỗ. Hiện tại luôn có mặt 4-5 bác sĩ của Bệnh viện Phong và Da liễu Trung ương Quy Hòa, Bệnh viện Da liễu Trung ương để hỗ trợ phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh nhân tại Trung tâm y tế Ba Tơ và xã Ba Điền.
Đồng thời, tổ chức phân tuyến điều trị với sự tham gia của các Bệnh viện Trung ương đóng tại khu vực, tổ chức khám sàng lọc bệnh nhân tại cộng đồng và tiếp nhận, điều trị bệnh nhân tại Trạm Y tế xã với sự hỗ trợ của y tế tuyến trên, chuyển các trường hợp nặng có nguy cơ tử vong về các bệnh viện có đủ điều kiện hồi sức cấp cứu. Bộ Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện trung ương chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên gia nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ đào tạo chuyển giao kỹ thuật lọc máu và hồi sức cấp cứu người lớn. Bệnh viện Nhi đồng 1 hỗ trợ kỹ thuật lọc máu hồi sức cấp cứu trẻ em).
Thường xuyên cấp đủ thuốc điều trị cho Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, thuốc kháng sinh, vitamine tổng hợp, chống độc, nâng cao thể lực, điều trị các bệnh nhiễm trùng, ký sinh trùng.
Bộ Y tế đã 3 lần cập nhật, ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng viêm da dày sừng bàn tay và bàn chân tại Quảng Ngãi” và thường xuyên cập nhật và bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị căn cứ trên những diễn biến của bệnh.
Hôm nay, Bộ đã cấp 1 xe cứu thương cho Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ phục công tác cấp cứu và chuyển bệnh nhân; cấp 1 máy lọc máu và máy xét nghiệm sinh hóa cho Sở Y tế Quảng Ngãi để phục vụ bệnh nhân. Các bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đều được điều trị miễn phí.
Đối với các biện pháp giảm tỷ lệ mắc bệnh, Sở Y tế Quảng Ngãi đã thường xuyên chỉ đạo và triển khai công tác phun, khử trùng và giáo dục người dân về vệ sinh môi trường và Bộ Y tế đã chỉ đạo tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh từng hộ gia đình, môi trường xung quanh của toàn bộ xã. Đến ngày 13/5 toàn bộ 386 hộ gia đình trong xã Ba Điền và môi trường xung quanh đã được phun thuốc khủ trùng. Tiến hành tẩm màn, phát toàn bộ màn mới, chiếu cho người dân tại xã. Cấp phát cơ số thuốc nâng cao thể trạng cho tất cả người dân tại xã, tẩy giun sán cho toàn bộ người dân trên địa bàn.
Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, tập huấn chuyên môn để nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh tại cộng đồng để được đưa tới các cơ sở khám và điều trị tại các cơ sở y tế. Hỗ trợ kinh phí cho người bệnh trong việc chi trả phí khám, điều trị; vận động nhân dân vệ sinh môi trường, giữ gìn vệ sinh cá nhân; vận động người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế...
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cấp phát gạo cho đồng bào. Vận động, kêu gọi, khuyến khích các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế tại địa phương hỗ trợ thuốc như vitamin, khoáng chất và tăng cường dinh dưỡng và vi chất cho đồng bào.
Hiện tại ngành y tế đang tích cực triển khai các biện pháp can thiệp nhằm giảm số người chết, giảm số người mắc và đã tiến hành xong giai đoạn điều tra trên thực địa. Trong giai đoạn nghiên cứu, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với các phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế từ các tổ chức quốc tế trong việc phân tích các mẫu thu được trên thực địa trong thời gian qua.
Mai Chi (Chinhphu)