Lãnh đạo cấp trên kiểm điểm trước cấp dưới và trước dân

Tin tức - Ngày đăng : 11:22, 21/05/2012

Việc thực hiện kiểm điểm phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Cùng với kiểm điểm, nên định kỳ tổ chức lấy ý kiến đóng góp, bỏ phiếu tín nhiệm...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng  khẳng định: tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý là một trong 3 vấn đề nổi lên trong số những hạn chế, yếu kém của Đảng hiện nay. Để khắc phục, Đảng đưa ra các nhóm giải pháp, trong đó đề cao nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên... Đây là một chủ trương đúng, tuy nhiên trong kế hoạch thực hiện nghị quyết của nhiều đơn vị mới chỉ tập trung vào việc kiểm điểm của cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý trước tập thể lãnh đạo (ví dụ các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy kiểm điểm ở tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm điểm ở tập thể lãnh đạo UBND huyện...). Theo tôi, nên mở rộng phạm vi thực hiện  kiểm điểm, như kiểm điểm trước cấp dưới tại nơi lãnh đạo, kiểm điểm trước cấp dưới theo ngành dọc, kiểm điểm trước nhân dân nơi phụ trách hoặc nơi cư trú... Việc thực hiện kiểm điểm phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. Cùng với kiểm điểm, nên định kỳ tổ chức lấy ý kiến đóng góp, bỏ phiếu tín nhiệm của cấp dưới đối với cấp trên một cách công khai, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, lấy ý kiến đóng góp trực tiếp tại hội nghị, thông qua hòm thư góp ý, qua các diễn đàn... Làm được như vậy, bản thân mỗi cán bộ giữ vai trò lãnh đạo đều phải cố gắng hết mình vì công việc, hạn chế những việc làm sai trái. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, ban hành các cơ chế, chính sách minh bạch, hạn chế thấp nhất kẽ hở để nảy sinh tiêu cực, tham nhũng...

NGUYỄN HOÀI
(Thanh Hà)