Đúng hay sai quan niệm "Ăn gì bổ nấy"?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 10:20, 23/05/2012

Do nghe đồn về khả năng tăng cường “chuyện ấy” sau khi nuốt mật cá trắm nên nhiều đàn ông đã thử. Hậu quảnhiều người phải đi cấp cứu.

 Thực chất công dụng của việc này thế nào, hãy nghe ý kiến từ các bác sỹ chuyên khoa.

“Viagra” hay thuốc độc? 

Tiến sỹ, Bác sỹ cao cấp Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trung tâm vẫn thường phải tiếp nhận các nam bệnh nhân đến cấp cứu do nuốt mật cá trắm.

Bệnh nhân bị ngộ độc do nuốt mật cá thường có các biểu hiện triệu chứng như: nôn, đau bụng, tiêu chảy, nhiều khi tiêu chảy dữ dội dẫn đến mất nước, tụt huyết áp.

Sau khoảng 24 - 48 giờ, bệnh nhân có thể xuất hiện vô niệu (hiện tượng không có nước tiểu), tức là thận không làm việc được nữa. Điều đó dẫn đến tất cả các độc chất do chúng ta ăn uống vào và do quá trình chuyển hóa cơ thể sản sinh ra sẽ bị ứ đọng trong cơ thể. Khi đó nếu không được giải quyết bệnh nhân sẽ tử vong.

Bản thân mật động vật được sinh ra từ gan và bản thân chúng ta cũng đã có mật liền dưới gan, nên khi nuốt thêm một lượng mật ngoại sinh vào nữa thành ra quá nhiều, sinh ra viêm gan, nhiễm độc. Lúc đó bệnh nhân sẽ bị vàng mắt, vàng da, suy gan, hôn mê gan, xuất huyết lung tung và dẫn đến tử vong.

Theo ông Phạm Duệ, bệnh nhân vào cấp cứu đôi khi còn do nuốt mật gấu, mật rắn, mật ba ba… Điều này xuất phát từ tâm lý cho rằng “ăn gì bổ nấy”, tăng cường sinh lực chuyện phòng the… nên tội gì không thử. Nhưng bổ đâu chưa thấy đã thấy bệnh.

Còn theo Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Quân y 108, do hiện nay khi đời sống vật chất tăng lên, tâm lý của nhiều người muốn cải thiện sức khoẻ, nâng cao sinh lực, nhưng nhiều khi do không có kiến thức, hoặc có kiến thức vẫn cố tình dùng như vậy.

Thực ra ngày xưa trong y học cổ truyền vẫn dùng mật cá trắm làm thuốc để chữa một số bệnh như: viêm họng, đau mắt, chữa mụn nhọt, chữa viêm loét ở bộ phận dinh dục nữ… Nhưng chưa hề có tài liệu nào nói là uống mật cá trắm giúp tăng cường sinh lực trong “chuyện ấy” cho đàn ông.

Cũng theo Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, hiện không chỉ riêng mật cá trắm, nhiều người còn truyền tai nhau về công dụng của mật kỳ đà, mật nhím… rồi bỏ vào mồm nuốt sống. Điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Ảnh minh họa


Ăn gì bổ nấy? 


Theo Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn, hiện y học, kho học phát triển, nhưng vẫn có một số chứng bệnh vẫn chưa có cách giải quyết. Tâm lý người bệnh thì luôn luôn muốn tìm đến một cái mới để hy vọng chữa bệnh. Hoặc do có điều kiện kinh tế, tâm lý nhiều người muốn chơi sang, muốn tìm đến một phép thần thông quảng đại nào đó nên thôi thúc người ta tìm đến những phương thuốc từ dân gian.

Việc nhiều người thích chơi sang tìm dùng những loại động vật quý hiếm là một xu hướng đang bị lạm dụng một cách xô bồ. Cộng với xu hướng trục lợi của một số người đã đồn thổi công dụng của các loại mật, khiến nhiều người tìm đến dùng.

Bác sỹ Hoàng Khánh Toàn cho biết, thực ra “ăn gì bổ nấy” phản ánh 1 học thuyết của y học cổ truyền là lấy các phủ tạng của động vật để chữa bệnh phủ tạng cho người. Các cụ thường gọi là đồng khí tương cầu.

Ví dụ lấy một phủ tạng này để chữa bệnh về một phủ tạng khác như lấy mật cá trắm chữa về mắt, về họng. Hay người bị bệnh dạ dày thì lấy dạ dày động vật để chế ra những bài thuốc chữa bệnh; người bị viêm đại tràng thì dùng đại tràng của động vật để chế thuốc…

Hoặc như ăn tiết canh là một món khoái khẩu của người Việt. Các cụ thường nói ăn huyết bổ huyết, điều này cũng đúng vì trong tiết canh có những chất như sắt, protein… giúp cho quá trình sản sinh hồng cầu. Còn mật cá trắm, trong sách cổ ghi rất rõ công dụng thanh nhiệt, giải độc, sáng mắt và có độc.

Nhưng thực tế có điều nhiều người đã lạm dụng những thức ăn này, bài thuốc này một cách quá đà. Có những cái sách đã nói là độc nhưng nhiều người vẫn dùng vì không biết hoặc bị lợi dụng,  bị xui khiến nên uống nhầm.


Trong y học cổ truyền vấn đề lưỡng pháp, phối hợp cả đông dược và tân dược điều trị là một cách tự nhiên, nhưng các cụ xưa vẫn khuyến cáo “nhân nhân tín y” - tức tuỳ người mà dùng; “nhân thời tín y” - tuỳ lúc mà dùng, “nhân địa tín y” - tuỳ nơi mà dùng. Thế nên không phải loạii thuốc bổ nào, thức ăn nào ai cũng có thể dùng.

Ví dụ, hiện nhiều đàn ông sính dùng ngầu pín vì cho là có tác dụng cường dương. Nhưng thực ra ngẩu pín là “đại nhiệt” - rất nóng, đặc biệt ngẩu pín của dê, của chó, của hổ. Mà những người đàn ông bị suy yếu sinh lý có rất nhiều thể. Có người thì bị dương hư, người lại bị âm hư. Như vậy, người bị dương hư thì ăn các ngẩu pín – “đại nhiệt” là cực kỳ tốt, nhưng người bị âm hư thì ăn vào lại không tốt chút nào cả.

Đó là những điều trong sách dinh dưỡng y học cổ truyền ghi lại hẳn hoi. Hiện nhiều người không hiểu, không biết dẫn đến tâm lý ăn đại, ăn tới số thì thôi. Việc này rất phản khoa học. Đặc biệt với việc “ăn sống nuốt tươi” thì nguy cơ mắc bệnh rât cao. Như tiết canh thì bổ nhưng vì là thức ăn sống nên khó có thể đảm bảo tiết đó có đủ độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiến sỹ Phạm Duệ cũng cho rằng, con người trải qua quá trình tiến hoá đã ăn hết từ thức ăn sống đến ăn chín, giờ đây nấu nướng còn trở thành một nghệ thuật thì không có lý gì mà bảo ăn chín lại không tốt hơn ăn sống.

Cũng theo ông, duy chỉ có hoa quả nên ăn tươi tốt hơn khi nấu chín, còn lại tốt nhất mọi người nên chế biến, nấu chín các loại thức ăn. Đặc biệt, ông khuyến cáo mọi người không nên ăn tiết canh, tuỳ tiện dùng các loại mật động vật.

Thuỳ Minh (VnM)