Chuyển mình từ cây cầu Hợp Thanh

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 25/05/2012

Từ ngày có cây cầu, giao thông thuận lợi, giáo dục, y tế được cải thiện, dịch vụ phát triển, công nghiệp xuất hiện giúp người dân có việc làm...



Có cầu Hợp Thanh, xe buýt đã về phục vụ người dân Hà Đông


Khu đảo là tên gọi trước đây của 6 xã khu Hà Đông của huyện Thanh Hà, gồm: Hợp Đức, Thanh Bính, Trường Thành, Thanh Hồng, Thanh Cường và Vĩnh Lập. Khu đảo hoàn toàn tách biệt với các địa phương khác bởi sông nước. Phà Gùa là con đường duy nhất nối liền người dân nơi đây với bên ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 7-2010, cầu Hợp Thanh đã thông, giúp huyện Thanh Hà trở thành “một thể thống nhất”, mang đến nhiều đổi thay cho vùng đất Hà Đông.

Về khu Hà Đông những ngày tháng 5, chúng tôi thấy đường sá rộng rãi, thông thoáng hơn, nhiều cầu, cống được đầu tư xây mới, nhà cao tầng mọc lên san sát, dịch vụ phát triển mạnh. Gần 2 năm đi qua nhưng khi nhắc tới cầu Hợp Thanh, trong mắt người dân ở đây vẫn ánh lên niềm hạnh phúc. Điều đó cho thấy ý nghĩa lớn lao mà cây cầu mang lại. Chị Phạm Thị Hương ở thôn Thống Lĩnh (Hợp Đức) cho biết: “Từ khi có cây cầu, cuộc sống của người dân thuận tiện hơn hẳn. Chúng tôi được thoải mái đi đến các địa phương khác ngoài khu đảo mà không còn lo nơm nớp bị nhỡ phà, đò như trước. Đặc biệt, còn tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn, vì không phải trả tiền phà”. Có cầu, các vấn đề xã hội như y tế, giáo dục cũng được cải thiện đáng kể. Người dân ở khu đảo vẫn còn truyền tai nhau những câu chuyện nửa đêm xe cấp cứu chở bệnh nhân lên tuyến trên điều trị, nhưng khi xe xuống được phà, bệnh nhân đã tắt thở... Nhưng nay, các em học sinh ở khu đảo không còn ngần ngại khi lựa chọn học tập tại các trường trong huyện hay ở TP Hải Dương; việc cấp cứu, đưa bệnh nhân lên điều trị tại các tuyến trên đã thuận lợi hơn rất nhiều. Em Lê Sỹ Hiển ở xã Thanh Bính, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghiệp chia sẻ: “Trước đây em học tại Trường THPT Thanh Hà, nhà cách trường gần 10 km, lại cách sông. Vì vậy, để bảo đảm việc học tập, em phải ở trọ. Từ ngày có cầu Hợp Thanh, học sinh không còn vất vả như trước, có thể đi về trong ngày, thuận tiện cho việc học hành”.

Là vùng đất nổi tiếng với đặc sản vải sớm, vải thiều, mỗi lần đến mùa vải, nhiều xe trọng tải lớn xếp hàng dài tại bến Gùa, gây bất tiện cho người dân đi lại cũng như việc vận chuyển nông sản ra thị trường. Đồng chí Lê Bá Phúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Bính cho biết: Trước đây, 80-90% sản lượng vải trong xã là do người dân vận chuyển ra bán tại các điểm thu mua, chi phí đi lại, công lao động lớn. Bên cạnh đó, do ngăn sông cách đò, người dân thường xuyên bị tư thương ép giá. Nay các tư thương từ nhiều nơi đến, xe ô - tô chạy nườm nượp, vào tận vườn của người dân thu mua vải”.



Xã Vĩnh Lập ngày càng khang trang


Nằm ở khu vực vùng sâu của huyện Thanh Hà, xã Vĩnh Lập gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Từ ngày thông cầu Hợp Thanh, cuộc sống của người dân có nhiều đổi thay. Ngay ở trung tâm xã, nhiều nhà cao tầng được xây mới, các loại hình dịch vụ mở rộng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhiều lao động đã đi làm tại các doanh nghiệp. Cơ cấu kinh tế của xã có sự chuyển dịch tích cực. Năm 2011, tỷ trọng ngành dịch vụ đạt 23,25%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 10 triệu đồng; tỷ lệ nhà kiên cố đạt 90%; đường làng, ngõ xóm cơ bản được bê - tông hóa... Có cầu, xe buýt xuống tận nơi phục vụ bà con đi lại. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên huyện, tỉnh được bà con tiếp cận; các đội chiếu bóng, rạp xiếc... xuất hiện thường xuyên, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Trước đây, do giao thông không thuận tiện, người dân Hà Đông luôn phải chịu nghịch lý “bán rẻ - mua đắt” do các tư thương vin vào cớ đi lại khó khăn, phí phà, đò... Nhưng nay hàng hóa lưu thông, người dân thoải mái hơn khi mua sắm. Chị Phạm Thị Miên ở thôn Vĩnh Ninh (Thanh Cường) cho biết: Trước kia, hàng hóa chỉ tập trung ở khu chợ Hệ, nên người tiêu dùng thường xuyên bị ép giá. Nhưng từ ngày cầu thông, người dân có thể đi sang khu vực xã Thanh Thủy, thị trấn Thanh Hà mua bán, các tư thương tại khu Hà Đông cũng đã hạ giá nhiều mặt hàng, không còn tình trạng chênh lệch giá với các khu khác trong huyện.

Theo đồng chí Lê Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà, tên gọi “Hợp Thanh” không chỉ là ghép từ 2 xã đầu cầu: Thanh Thủy và Hợp Đức, mà còn mang ý nghĩa "hợp nhất" Thanh Hà. Đây là cây cầu bao đời mong ước của người dân khu Hà Đông nói riêng và người dân Thanh Hà nói chung. Không chỉ thỏa được ước nguyện của người dân, cây cầu còn có ý nghĩa lớn lao về mặt kinh tế - xã hội. Đó là giao thông thuận lợi, giáo dục, y tế được cải thiện, dịch vụ phát triển, công nghiệp xuất hiện giúp người dân có việc làm...

Cùng với cầu Hợp Thanh, đường ô- tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được thi công qua địa phận một số xã trong khu Hà Đông sẽ mở ra tiềm năng phát triển lớn.

HỒNG HẠNH