Nhiều hạn chế trong sản xuất giống lúa

Bạn đọc viết - Ngày đăng : 16:36, 11/06/2012

Trong vài năm gần đây, việc sản xuất, kinh doanh giống lúa ở tỉnh ta có nhiều hạn chế.

Lượng giống do các doanh nghiệp cung ứng còn ít, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu sử dụng (khoảng 1.600 tấn giống/năm). Toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ có Công ty TNHH Giống cây trồng tỉnh có diện tích để sản xuất giống. Những doanh nghiệp còn lại chủ yếu buôn bán giống. 80% lượng giống do nông dân tự để giống nên chất lượng không cao, đặc biệt là độ thuần đồng ruộng. Việc sản xuất giống ở vùng giống nhân dân còn nhiều hạn chế như: chưa có quy hoạch vùng cụ thể, địa điểm và quy mô vùng chưa ổn định, kỹ thuật cách ly còn kém. Nhìn chung, tỉnh ta còn thiếu những giống lúa cho năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu tốt với sâu, bệnh để cung cấp cho sản xuất đại trà. Ở một số thời điểm, việc cung ứng giống còn chậm, thiếu giống (đặc biệt là một số giống lúa lai). Một số giống mới đưa vào sản xuất có năng suất kém do đơn vị cung ứng chưa phổ biến rộng rãi quy trình kỹ thuật cho nông dân. Cơ cấu sản xuất lúa ở tỉnh ta còn mất cân đối, diện tích lúa lai còn ít, lúa chất lượng cao quá nhiều. Trong vụ chiêm xuân này, lúa lai chỉ chiếm 7% nhưng lúa chất lượng cao chiếm tới 39%. Nguyên nhân chính do nguồn cung lúa lai khan hiếm, phụ thuộc nhập khẩu, giá giống quá cao nên không khuyến khích nông dân sản xuất.

Tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư cho công tác giống. Giai đoạn 2006-2011, tỉnh đã đầu tư 28,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển lúa lai, lúa chất lượng cao, xây dựng vùng sản xuất tập trung. Ngày 9-5 vừa qua, UBND tỉnh có quyết định phê duyệt dự án “Phát triển giống lúa và vùng lúa hàng hóa tập trung giai đoạn 2012-2015” với kinh phí thực hiện ước tính khoảng 434 tỷ đồng. Dự án đã đưa ra các mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giống như: phấn đấu mỗi năm có 1.500 ha lúa giống lấy từ vùng giống nhân dân; tỷ lệ dùng giống lúa cấp xác nhận đạt trên 80%; tự sản xuất 40 ha lúa lai F1; mỗi năm chọn tạo 1-2 giống lúa đưa vào sản xuất đại trà; xây dựng khu sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng tại Công ty Giống cây trồng tỉnh. Trong dự án này, UBND tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp đồng bộ để khắc phục những điểm yếu và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giống lúa. Tỉnh sẽ chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất giống nhân dân, hỗ trợ kinh phí để sản xuất giống lúa thuần, lúa lai, xây dựng mô hình sản xuất lúa tập trung, có chính sách để tiêu thụ lúa giống...

Chính sách đã có nhưng quan trọng hơn là phải thực hiện hiệu quả. Tỉnh hỗ trợ kinh phí để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giống lúa là cần thiết nhưng vai trò chính vẫn thuộc về các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong khâu sản xuất, kinh doanh giống lúa bằng các biện pháp cụ thể như: tăng cường hợp tác với các đơn vị khác để chọn tạo giống; đầu tư cơ sở vật chất để tự sản xuất một lượng giống nhất định; cung cấp nhiều hơn giống lúa lai và các giống có năng suất cao, chất lượng tốt cho nông dân, không để xảy ra thiếu giống cho sản xuất.   

TUẤN NGUYÊN
(Thanh Miện)