Giáo dục truyền thống quê hương cho lớp người trẻ tuổi
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 10:27, 24/06/2012
"Lịch sử không phải cái gì khác, là sự thay thế liên tục của các thế hệ”. Thực vậy, thế hệ những người đang đứng ở các vị trí quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay, nhiều lắm cũng chỉ có thể xây nền, đắp móng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Còn nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, "dân giàu, nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, phải do lớp người trẻ tuổi hôm nay đang ngồi trên ghế nhà trường gánh vác, đảm nhận.
Muốn cho lớp trẻ ngày nay hoàn thành được sứ mệnh lịch sử vẻ vang ấy, chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác giáo dục truyền thống dân tộc nói chung, truyền thống quê hương nói riêng cho họ. Đây là một vấn đề vừa có tính chất cấp thiết trong thời điểm hiện nay, vừa có ý nghĩa lâu dài phải được thực hiện thường xuyên, liên tục trong mọi bước tiến của cách mạng. Nó chẳng những có tác dụng làm phát triển những phẩm chất tốt đẹp cho lớp người trẻ tuổi mà còn tạo ra một sức mạnh to lớn, một lợi ích trọng đại đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Điều quan trọng là làm thế nào để thế hệ trẻ chủ động, tự giác tìm hiểu truyền thống, trân trọng giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống.
Giáo dục truyền thống quê hương cho lớp người trẻ tuổi là công việc của toàn Đảng, toàn dân. Công việc này cần được tiến hành đồng bộ ở gia đình, nhà trường, xã hội, ở tất cả các tổ chức đoàn thể. Đồng thời, cần được quán triệt sâu sắc ở mọi nơi, mọi lúc, ở tất cả các ngành, các cấp.
Giáo dục truyền thống là công việc phức tạp cần được triển khai bằng những hoạt động cụ thể với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, theo phương châm từng bước xã hội hóa thông qua việc tổ chức các ngày kỷ niệm truyền thống của dân tộc, các lễ hội của địa phương, các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Thắp nến tri ân các liệt sĩ”… Giáo dục truyền thống cần bắt đầu ngay từ chính việc tìm hiểu lịch sử làng, xã, trường học … nơi mỗi người sinh sống, học tập, công tác. Cần tạo điều kiện cho giới trẻ nhận ra giá trị đích thực và sức sống vững chắc của văn hóa truyền thống. Trong rất nhiều hoạt động tình nguyện mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến sự chăm lo cho các đối tượng người có công với cách mạng, điển hình là chương trình góp công sức để xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách. Và điều không thể không nói đến của công tác giáo dục truyền thống là tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Giáo dục truyền thống là một phần không thể thiếu để hình thành và phát triển đạo đức, nhân cách thế hệ trẻ. Trong bối cảnh quê hương, đất nước đang hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng, những mặt trái của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận giới trẻ thay đổi các quan điểm của họ về giá trị truyền thống của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến lối sống của giới trẻ.
Thực chất của công tác giáo dục truyền thống quê hương là sự bồi đắp, hun đúc những tư tưởng, lối sống, những phẩm chất đạo đức tốt đẹp đã được hình thành trong các mối quan hệ xã hội-lịch sử. Giáo dục truyền thống quý báu cho lớp người trẻ tuổi chính là đem đến cho họ những di sản văn hóa của dân tộc, của quê hương đã được kết tinh từ bao thế hệ ông cha, những tinh thần vô giá đã được gạn lọc, chắt chiu qua nhiều thời đại. Đó cũng là tiền đề quan trọng để giúp thế hệ trẻ có thể nhanh chóng tiếp thu những cái mới mẻ, cái hiện đại làm cơ sở khoa học cho quá trình rèn luyện, phấn đấu trở thành con người hữu ích cho xã hội.
Giáo dục truyền thống cho lớp người trẻ tuổi là một bộ phận trong chiến lược đào tạo con người. Làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho giới trẻ sẽ có tác dụng dụng chuyển hóa sức mạnh tinh thần, năng lực trí tuệ của tuổi trẻ thành sức mạnh vật chất nhằm phát huy tối đa năng lực nội sinh của dân tộc. Đó cũng là công việc góp phần hình thành bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam trong thời đại mới.
TS. PHẠM TRUNG THANH