Ninh Giang xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:32, 09/07/2012
Hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên việc đấu thầu đất chưa có kết quả dẫn đến nguồn vốn giành cho xây dựng NTM còn hạn chế...
Xã Tân Quang vừa khánh thành đưa vào sử dụng trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã, kinh phí
đầu tư 4,2 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phương
Tân Hương là một trong 5 xã của huyện Ninh Giang được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Hiện nay, xã đã đạt 10 trong tổng số 19 tiêu chí NTM do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) quy định. Mặc dù xã mới lập xong quy hoạch và đang chờ UBND huyện phê duyệt, nhưng thời gian qua Tân Hương vẫn huy động nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Trước đây, Đảng ủy, UBND xã Tân Hương và các tổ chức đoàn thể cùng làm việc chung trong hội trường của xã, vì thế đã nảy sinh nhiều khó khăn. Tham gia chương trình xây dựng NTM, được hỗ trợ kinh phí, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, xã đã cân đối ngân sách được gần 1 tỷ đồng để đầu tư thêm. Đến tháng 11 tới, công trình sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Khi Ban Quản lý dự án cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh (Sở NN-PTNT) triển khai chương trình xây trạm cấp nước tập trung, xã tích cực giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy tại thôn 2. Nhà máy có công suất 2.100 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư gần 27 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) gần 23 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 380 triệu đồng, trên 3,4 tỷ đồng còn lại là nguồn đóng góp của xã và cộng đồng hưởng lợi. Xã đã tích cực vận động nhân dân đăng ký tham gia sử dụng nguồn nước sạch. Hiện nay, trạm đang lắp đường ống và lắp đặt đồng hồ nước cho người dân.
Từ đầu năm đến nay, xã đã vận động nhân dân góp công, tiền và hiến đất để đắp phụ nền đường và trải vật liệu cứng 1,5 km đường giao thông qua các thôn 2, 4, 5, 6 và 7. Việc trải mặt đường đang chờ kinh phí của cấp trên. Năm học vừa qua, từ việc cân đối nguồn thu, chi, xã đã xây thêm 4 phòng học chức năng, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh. Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Mặc dù xã còn nhiều khó khăn, nhưng xác định xây dựng NTM sẽ làm thay đổi bộ mặt nông thôn của địa phương cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nên Tân Hương đã huy động mọi nguồn lực để xây dựng.
Cùng với Tân Hương, Tân Quang cũng tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Vũ Tiến Đĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Quang cho biết: Do nguồn ngân sách xã eo hẹp nên để xây dựng được cơ sở hạ tầng, xã phải lồng ghép trong nhiều chương trình của tỉnh, Trung ương. Vừa qua, Tân Quang đã đầu tư xây dựng trụ sở UBND xã với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng, trong đó 723 triệu đồng từ nguồn ngân sách quốc gia cho xây dựng NTM, 750 triệu đồng từ ngân sách tỉnh, còn lại là ngân sách của xã. Xã đã vận động nhân dân đóng góp 120 triệu đồng và trên 3.000 ngày công đắp ụ, trải đá... 1,4 km đường WB3 và đang đợi tỉnh đầu tư các bước tiếp theo. Ngoài ra, xã Tân Quang còn trích ngân sách xã trên 50 triệu đồng cải tạo lại mái che, đổ nền bê-tông chợ của xã.
Nhân dân xã Ứng Hòe (Ninh Giang) làm đường nội đồng
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, từ đầu năm đến nay, phòng đã phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định hồ sơ báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình đắp phụ nền đường và rải vật liệu cứng của 7 xã, gồm: Đồng Tâm, Vĩnh Hòa, Quang Hưng, Hưng Thái, Hồng Đức, Tân Hương và Hoàng Hanh với chiều dài 16,5 km, tổng kinh phí đầu tư trên 19 tỷ đồng. Phòng đôn đốc các xã tham gia chương trình WB3 hoàn thành đắp phụ nền đường và rải vật liệu cứng để bàn giao cho Ban Quản lý dự án giao thông nông thôn WB3 tỉnh để tiến hành thực hiện các bước tiếp theo. UBND huyện đã trình Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính hỗ trợ công tác xây dựng đường giao thông nông thôn năm 2011 cho 10 xã. Có 4 xã tiến hành xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, UBND xã; 2 xã xây dựng hội trường; 8 xã thực hiện dự án cấp nước sạch. Ngoài ra, còn những đầu tư, sửa chữa nhỏ khác do các xã thực hiện.
Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho NTM ở Ninh Giang hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Tân Hương gặp khó khăn về việc huy động kinh phí xây dựng chợ và hệ thống thủy lợi. Hệ thống kênh mương của địa phương vẫn là kênh đất nhưng có đến 60% số người dân của xã Tân Hương không làm nông nghiệp nên việc huy động nhân dân đóng góp đầu tư kiên cố hóa kênh mương không thuận. Còn khó khăn lớn nhất của Tân Quang hiện nay là nguồn kinh phí cho việc đầu tư xây mới và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Đây là xã thuần nông, nguồn thu chủ yếu của xã là đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện nay do tình hình kinh tế khó khăn nên việc đấu thầu chưa có kết quả. Kinh tế của huyện Ninh Giang còn khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, doanh nghiệp. Nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn huyện hạn chế. Việc thống kê các nguồn vốn lồng ghép gặp nhiều khó khăn do nhiều đầu mối quản lý. Nguồn thu chủ yếu của các địa phương là thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng trong năm nay mới chỉ có hai xã Hồng Thái và Hồng Dụ đấu giá, các xã còn lại chưa thực hiện được.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể cần triển khai cho từng năm, từng giai đoạn và sẽ phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị cụ thể. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động từ huyện đến cơ sở để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và tham gia thực hiện chương trình. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về tiến độ, các điển hình tiên tiến, sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để phổ biến và nhân rộng mô hình. Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình.
THANH HÀ