Góp phần xoa dịu nỗi đau da cam

Việc tử tế - Ngày đăng : 09:38, 17/07/2012

Với vai trò của mình, ông Sách đã tranh thủ sự quan tâm của nhà hảo tâm để vận động, quyên góp, trợ giúp những gia đình bị nhiễm chất độc da cam...

Dù đã nghỉ hưu nhưng ông Nguyễn Văn Sách, 64 tuổi, thương binh hạng 4/4 ở xã Hiệp An, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Kinh Môn vẫn tích cực bám sát cơ sở để nắm bắt những thông tin về các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn để có kế hoạch vận động, ủng hộ giúp họ vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống.




Năm 2008, ông Sách về nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại Văn phòng Huyện ủy Kinh Môn. Cũng năm đó, huyện Kinh Môn thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Được sự động viên của huyện, ông Sách đã tham gia và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội. Vốn có 5 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng - Đà, bản thân lại là thương binh nên ông luôn thấu hiểu dù chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó vẫn còn rất nặng nề, trong đó có nhiều người trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam đang phải sống trong điều kiện khó khăn cần được sự trợ giúp. Với suy nghĩ ấy, sau khi nhận chức Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện, ông Sách đã nhiều ngày lặn lội xuống các xã trong huyện để rà soát lại các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam. Sau khi có danh sách, ông phân loại xem người nào cần được giúp đỡ trước. Ông kể: Năm 2009, qua Ban Chính sách xã hội xã Lạc Long, tôi được biết gia đình chị Trần Thị Hồng, nạn nhất chất độc da cam đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chị Hồng và chồng (đối tượng 202) và con nhỏ 3 tuổi không có nhà ở, phải sống nhờ trong căn bếp nhà từ đường của dòng họ. Xác định đây là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôi đã chủ động liên hệ với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8 - 3 của Hội Phụ nữ tỉnh ủng hộ chị Hồng 15 triệu đồng, huyện giúp đỡ 3 triệu đồng. Xã đã vận động gia đình, anh em của chị Hồng ủng hộ tiền để xây dựng nhà ở cho chị Hồng với tổng giá trị 25 triệu đồng. Sau một thời gian thi công, chị Hồng đã có nhà mới. Tiếp đó, tôi đã liên hệ với Ủy ban MTTQ tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng, huyện hỗ trợ 3 triệu đồng để giúp, xây nhà ở cho gia đình anh Phạm Văn Tuyên, nạn nhân chất độc da cam ở xã An Phụ vì vợ chồng anh đang phải ở chung với bố mẹ đẻ hết sức chật chội.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp đã được Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Kinh Môn Nguyễn Văn Sách vận động giúp đỡ. Ngoài ra, với vai trò của mình, ông Sách đã tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và các nhà hảo tâm để vận động, quyên góp, trợ giúp những đối tượng, những gia đình bị nhiễm chất độc da cam vơi bớt khó khăn. Cụ thể, trong hơn 4 năm làm Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của huyện, ông Sách đã vận động các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, trợ giúp xây dựng mới 4 ngôi nhà; sửa chữa, nâng cấp 2 ngôi nhà cho nạn nhân da cam nghèo và cận nghèo; tặng 2 xe lăn và đồ dùng sinh hoạt như bàn, ghế, quạt điện; trợ giúp chữa bệnh cho 1 nạn nhân, khám cấp thuốc miễn phí cho 50 nạn nhân; tặng qùa, thăm hỏi động viên nhân dịp lễ, Tết…với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng. Dù làm Chủ tịch Hội với đồng phụ cấp ít ỏi (150 nghìn đồng/tháng), nhưng ông Sách vẫn rất vui. "Vì nghĩa tình đồng đội nếu còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục làm công việc này”, ông Sách chia sẻ.


VŨ ÚY