Triết luận về sự hy sinh
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 20:52, 22/07/2012
Bài thơ rất kiệm lời. Như ai đó khi đến nghĩa trang liệt sĩ còn nhìn ngang nhìn dọc từng hàng bia mộ, rồi những hàng cây, có khi cả tiếng chim ca và ánh nắng chan hòa. Nhưng ở chàng thi sĩ đồng quê Đồng Đức Bốn thì không. Ngay câu mở đầu người đọc đã nhận ra nhà thơ bước chân vào nghĩa trang là chỉ chú mục vào những mộ chí, như soi vào đó từng con chữ trên tấm bia. Và dường như những hàng chữ biết nói truyền sang nhà thơ sợi dây tình cảm thiêng liêng, làm bật dậy trong tiềm thức một nhận thức mới, suy nghĩ mới khi đứng trước mộ chí, đặt tay lên mỗi tấm bia bỗng cảm nhận rất rõ: “Bám tay vào tấm bia hoa/Bỗng nghe máu chảy sang ta dập dồn”. Máu chảy "dập dồn” hay lòng xốn xang xúc động thương nhớ, biết ơn các liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống mới hôm nay. Có lẽ cả hai. Mới chỉ “Bám tay vào tấm bia hoa” mà đã cảm giác như có dòng “máu chảy sang ta dập dồn” thì quả là phải có tâm hồn nhạy cảm đến thế nào mới cảm nhận ngay ra điều đó. Thơ đậm chất suy tưởng và biến hóa, đi từ cái thực “Bám tay vào tấm bia hoa” đến cái ảo với cảm giác cỏ cây hoa lá trên mộ các anh nằm cũng ngào ngạt thơm. Và hơn thế nữa, còn như nghe rõ cả tiếng chân các anh hành quân vượt Trường Sơn năm nào: “Thơm trong cỏ mộ hoàng hôn/Tiếng chân anh vượt Trường Sơn chẳng già”. “Chẳng già”, bởi với mỗi chúng ta, sự hy sinh của các anh vì nền độc lập, tự do của dân tộc khi tuổi còn đang xuân thì mãi mãi vẫn là thanh xuân, như tháng năm nào các anh ra đi, vượt Trường Sơn đánh giặc. Tiếp tục dòng suy tưởng với một biên độ rộng và tầm khái quát cao, nhà thơ mang đến cho người đọc nhận thức mới có tính triết luận về sự hy sinh của các chiến sĩ và đồng bào ta trong cuộc chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc:Ở nghĩa trang Trường Sơn
Bám tay vào tấm bia hoa
Bỗng nghe máu chảy sang ta dập dồn.
Thơm trong cỏ mộ hoàng hôn
Tiếng chân anh vượt Trường Sơn chẳng già.
Tình yêu đổi lấy thi ca
Máu xương đổi lấy phù sa sông Hồng.
ĐỒNG ĐỨC BỐN
------------------------
(Trong tập “Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc”)
Tình yêu đổi lấy thi ca
Máu xương đổi lấy phù sa sông Hồng.
Bài thơ ngắn, có ba khổ, mỗi khổ gói gọn hai câu thơ lục bát (6/8), vị chi cả bài vẻn vẹn 42 chữ, nhưng lại toát lên một chủ đề lớn, gói gọn trong câu thơ tám chữ “Máu xương đổi lấy phù sa sông Hồng”. Đây là nét độc đáo không thể lẫn với ai của nhà thơ lục bát tài hoa Đồng Đức Bốn: ngắn gọn, trau chuốt và hàm xúc. Có lẽ trong làng thơ lục bát ở ta, ít ai có những bài thơ ngắn mà hay như thi sĩ đồng quê Đồng Đức Bốn. Có bài chỉ một câu, như bài “Chiều nay Hồ Tây có giông” độc nhất vô nhị một câu thơ tám chữ: “Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm”. Hoặc như bài “Lời ru cho cỏ buồn” cũng chỉ có câu lục bát: “Lời ru cho cỏ biết buồn/Thế nên chớp bể mưa nguồn lại thôi”. Hay như bài thơ được nhiều người thuộc lòng, bài “Chăn trâu đốt lửa” cũng chỉ có bốn câu: “Chăn trâu đốt lửa trên đồng/Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/Mải mê đuổi một con diều/Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Dông dài đôi nét độc đáo trong thơ Đồng Đức Bốn như thế để bạn đọc khỏi ngỡ ngàng khi tiếp cận với bài “Ở nghĩa trang Trường Sơn” của anh.
CAO NĂM