Dịch cúm gia cầm xuất hiện trái mùa ở Thanh Hà

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:48, 23/07/2012

Dịch cúm gia cầm xuất hiện trái mùa ở Thanh Hà chứng tỏ, vi-rút H5N1 luôn tiềm ẩn trong môi trường và có thể bùng phát thành dịch bất kỳ lúc nào.


Đến chiều 22-7, xã Vĩnh Lập đã phải tiêu hủy khoảng 5.500 con gia cầm, thủy cầm

Chúng tôi đến gia đình anh Lê Hữu Thắng ở thôn Tú, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) khi những con ngan cuối cùng của gia đình anh vừa bị tiêu huỷ. Vẻ mặt anh Thắng vẫn còn bơ phờ, luyến tiếc vì gần chục ngày thiếu ngủ để chăm sóc đàn gà, vịt, nhưng không mang lại kết quả. Anh Thắng cho biết: "Ngày 11-7, một số con vịt có dấu hiệu bị tiêu chảy, không ăn, lù đù. Tôi đã đi mua thuốc về tự chữa. Tuy nhiên, số vịt ốm tăng nhanh, lan rộng sang cả đàn gà. Ngày 16 - 7, các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu huỷ 1.000 con vịt và 500 con gà của gia đình tôi. Ngày 20 - 7 vừa qua, gia đình tôi cũng tự nguyện tiêu huỷ 80 con ngan còn lại. Bao nhiêu tài sản của gia đình tôi đều đổ vào đó. Trong quá trình chăn nuôi, tôi đều tiêm phòng đầy đủ theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Tính đến nay, gia đình tôi đã vay 240 triệu đồng để mua cám và 30 triệu đồng mua con giống. Không biết gia đình chúng tôi sẽ lấy đâu ra số tiền trên để trả nợ ngân hàng".

Trước đây, gia đình anh đã bị cúm gia cầm. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến dịch cúm gia cầm xuất hiện.

Chúng tôi đến gia đình chị Mai Thị Khuyên, cùng thôn với anh Thắng. Chị Khuyên cho biết: "Đàn gà, vịt của gia đình tôi chưa có con nào bị chết, nhưng khi được xã vận động, chúng tôi cũng tự nguyện tiêu huỷ trên 500 con gà, vịt. Đây là toàn bộ gia tài của gia đình tôi. Mất hết đàn gà, vịt, chúng tôi không biết lấy đâu tiền trả ngân hàng còn nói gì đến chuyện có vốn để tái sản xuất".


Cán bộ thú y xã Vĩnh Lập phun thuốc vệ sinh tiêu độc, khử trùng tại gia đình chị Mai Thị Khuyên ở thôn Tú


Trong những ngày tiếp theo, gà, vịt của 5 hộ dân nằm sát nhà anh Thắng và ông Ba tiếp tục bị chết rải rác. Chiều 20-7, Chi cục Thú y tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm huyện Thanh Hà đã họp với 4 hộ dân có gà, vịt chết để thống nhất biện pháp tiêu huỷ và đều được sự đồng ý của các hộ. Ông Nguyễn Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập cho biết: Xã đã tiến hành đầy đủ các biện pháp dập dịch theo đúng quy định của cơ quan chức năng. Đến chiều 22-7, xã đã tiêu huỷ gia cầm, thủy cầm của 8 hộ với khoảng 5.500 con gà, vịt, ngan; lập 2 chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia cầm, thuỷ cầm ra, vào vùng dịch; thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi của các hộ dân thôn Tú. Đồng thời, tiến hành thống kê toàn bộ gia cầm, thuỷ cầm của xã để đăng ký tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm. Đến chiều 22-7, đã tiêm 2.500 liều vắc-xin cúm gia cầm cho vật nuôi ở 4 thôn.

Xã Vĩnh Lập cũng đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và tăng cường các biện pháp kiểm tra nhằm ngăn chặn việc tẩu tán gà, vịt bị bệnh, đồng thời kiểm tra toàn bộ tình hình chăn nuôi của người dân thôn Tú.

Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Theo quy luật từ những năm trước, đến khoảng tháng 5 là có thể yên tâm dịch cúm gia cầm không xuất hiện. Nguyên nhân là do thời tiết đã nắng, không còn mưa phùn, là điều kiện thuận lợi không cho mầm bệnh bùng phát và lây lan. Tuy nhiên, năm nay, đang giữa mùa nắng nóng lại xuất hiện dịch. Đây là một điều bất thường và có thể khẳng định, không còn quy luật về diễn biến dịch. Điều này chứng tỏ, vi-rút H5N1 luôn tiềm ẩn trong môi trường và có thể bùng phát thành dịch bất kỳ lúc nào.

Nguyên nhân của dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Vĩnh Lập là do điều kiện chăn nuôi của người dân không bảo đảm, không bố trí chuồng trại theo đúng quy định, chủ yếu là chăn thả trên bãi cát, khi trời nóng bức cũng không có biện pháp phòng, chống nóng cho gà, vịt; không bổ sung chất dinh dưỡng cho vật nuôi để tăng cường sức đề kháng trong những ngày nắng nóng. Các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng cũng không bảo đảm. Để khống chế dịch tại xã Vĩnh Lập, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp cho xã 20 nghìn liều vắc-xin H5N1 và cử cán bộ giám sát tình hình dịch bệnh.

Hiện nay, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu huyện Thanh Hà tiến hành thống kê toàn bộ gia cầm, thủy cầm, nhất là những xã giáp ranh với Vĩnh Lập để cấp vắc-xin phòng dịch cúm. Đối với các địa phương khác trong tỉnh, chi cục yêu cầu cơ quan chức năng huyện, thành phố, thị xã gửi thông báo về tình hình, diễn biến dịch để chính quyền và nhân dân các xã nắm rõ và có biện pháp phòng, chống dịch. Yêu cầu các địa phương thống kê số lượng và tình hình sức khoẻ của đàn gia cầm, thuỷ cầm. Lực lượng thú y thôn hướng dẫn người dân cách chăm sóc, bổ sung dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho gà, vịt. Tập trung vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu chuồng trại chăn nuôi, các nơi công cộng đông người qua lại, các chợ...

Chi cục Thú y tỉnh yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi ở Vĩnh Lập ký cam kết thực hiện “5 không”:
- Không nuôi thả rông gia cầm
- Không mua, bán gia cầm bị bệnh
- Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc
- Không giấu dịch
- Không vứt xác gia cầm bừa bãi

Ngày 11-7, một số hộ chăn nuôi thôn Tú báo cáo lên UBND xã Vĩnh Lập có gia cầm, thuỷ cầm bị chết, cán bộ xã đã xuống kiểm tra tình hình thấy gà, vịt của các hộ dân chết khá nhiều, không phải bị mắc các bệnh thông thường. Xã đã báo cáo lên Trạm Thú y huyện và Chi cục Thú y tỉnh. Ngày 16 - 7, Chi cục Thú y đã lấy mẫu trên đàn vịt và đàn gà còn khoẻ của gia đình anh Lê Hữu Thắng và đưa đi xét nghiệm tại Cơ quan Thú y vùng II (Hải Phòng). Mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng các cơ quan chức năng nhận định, với các hiện tượng gà, vịt đi ngoài phân xanh, phân trắng, ngoẹo đầu sang một bên, quay tròn... cho uống thuốc không khỏi thì nhiều khả năng bị nhiễm vi-rút H5N1. Cũng trong ngày hôm đó, đoàn công tác đã tiến hành tiêu huỷ gia cầm của gia đình anh Lê Hữu Thắng và ông Lê Hồng Ba với số lượng 2.042 con.


 PV