Thành tựu 65 năm công tác thương binh, liệt sĩ
Tin tức - Ngày đăng : 09:54, 23/07/2012
4. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường của các gia đình chính sách.
Các thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng là những người trải nghiệm sâu sắc cuộc sống, sống có bản lĩnh và giàu khát vọng, có khả năng vươn lên làm chủ đời sống trong mọi tình huống.
Tiếp nhận nhiều mặt quan tâm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân và sự giúp đỡ nghĩa tình của con người và xã hội, các gia đình chính sách có thêm nhiều thuận lợi để khắc phục khó khăn, vượt lên trên di chứng chiến tranh, phát huy sức mạnh tinh thần quả cảm, tạo lập cuộc sống an bình, hoà nhập cộng đồng. Trong cả nước đã có nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trên nhiều lĩnh vực: học tập, lao động sản xuất, kinh doanh và hoạt động văn hoá xã hội, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, làm giàu cho quê hương, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thể hiện trách nhiệm cao của mỗi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng là việc phấn đấu trở thành những “Công dân kiểu mẫu”, “Gia đình cách mạng gương mẫu”, là những tấm gương sáng để mọi người noi theo.
5. Giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh.
Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm giải quyết các tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Ngành lao động - thương binh và xã hội đã xác nhận, quản lý, thực hiện chính sách đối với các đối tượng như: người hoạt động cách mạng trước năm 1945, người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa, Anh hùng Lực lượng vũ trang, gia đình liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tù đầy, người có công giúp đỡ cách mạng, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, người nhiễm chất độc của Mỹ trong chiến tranh...
Quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của đất nước. Nhiều nghĩa trang liệt sĩ đã trở thành công trình văn hóa- du lịch lịch sử nổi tiếng như các nghĩa trang: Điện Biên Phủ, Hàng Dương, Trường Sơn, Đường 9, Đồng Tháp...
Cùng với việc xây dựng và không ngừng tu bổ các nghĩa trang liệt sĩ, nhiều công trình tưởng niệm liệt sĩ, tượng đài liệt sĩ, nhà bia liệt sĩ... đã được xây dựng khang trang. Tên của nhiều liệt sĩ tiêu biểu đã được đặt thành tên đường, tên phố, nhà trường, bệnh viện, các công trình kiến trúc... có ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc.
Quan tâm từng bước giải quyết những vấn đề trợ cấp xã hội nhằm bảo đảm đời sống cho các đối tượng chính sách ở mức độ huy động và động viên cao nhất tiềm lực, khả năng của đất nước và nhân dân. Nhiều thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng giảm sút hoặc không có khả năng lao động đã nhận được sự trợ giúp rất quan trọng từ nhiều nguồn lực của xã hội.
Việc tìm kiếm, xác minh, kết luận các trường hợp bị thương, hy sinh, tù đầy, mất tích, nhiễm chất độc hoá học... còn tồn đọng đã được giải quyết tích cực, thể hiện sự trân trọng, biết ơn của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Công tác tìm kiếm, phát hiện, quy tập mộ liệt sĩ được chú trọng và thu hút được nhiều kết quả trên nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu tình cảm đối với thế hệ sau chiến tranh.