400 hộ “tiết kiệm” điện trái phép

Hồ sơ phá án - Ngày đăng : 21:51, 29/07/2012

Tại thôn An Đoài và An Đông thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) hàng trăm hộ dân đồng loạt sửa công tơ, câu móc để giảm tiền sử dụng điện.

Côngtơ điện tại thôn An Đông lâu nay liên tục phải kiểm tra (ảnh chụp sáng 28-7) - Ảnh: C.V.K.

Doanh nghiệp phân phối điện nói cả xã này có tình trạng ăn cắp điện, tuy nhiên, người dân thì cho rằng chỉ một bộ phận của thôn, xã làm việc này. Sự việc đã diễn ra cả năm nhưng vẫn chưa giải quyết xong...

Xã An Bình nằm ngay cạnh thị trấn Nam Sách. Đường vào xã ôtô, xe máy ra vào tấp nập, nhà cửa khang trang. Duy chỉ có điều khác với những xã lân cận là nhiều cột điện, hộp côngtơ của xã đang bị mở tung, nhân viên của công ty trúng thầu bán lẻ điện vào xã liên tục phải nắm tình hình và theo dõi tình hình... ăn cắp điện.

“Côngtơ tiết kiệm điện”

Sự việc bắt đầu năm 2009, khi hợp tác xã điện của xã An Bình không kham nổi lưới điện cũ nát, người dân kêu ca, Công ty TNHH Hà Hanh đã được trúng thầu bán điện cho hai xã, trong đó có xã An Bình. Mọi việc ban đầu thuận lợi, người dân và công ty rất hữu hảo với nhau. Tuy nhiên khoảng một năm trước, khi tiền điện bắt đầu tăng, theo nhiều người dân ở An Bình, một số rồi nhiều người bắt đầu nghĩ cách “tiết kiệm” điện. Thay vì cắt giảm tiêu dùng thì họ nhờ mấy thợ điện cũ trong làng “thiết kế” để giảm tiền điện phải nộp.

Ông Nguyễn Quang Lợi, trưởng thôn An Đông, công nhận tại làng ông có khá nhiều người bằng các cách khác nhau đã... ăn cắp điện. Theo ông Lợi, có hai thợ điện ở thôn An Đoài làm “dịch vụ” giúp người dân giảm tiền điện phải nộp so với thực tế tiêu thụ, chỉ cần 500.000-600.000 đồng, người dân đã có một “côngtơ tiết kiệm điện”. Thay vì mức tiền phải đóng mỗi tháng khoảng 200.000-300.000 đồng thì tiền điện sau khi “đầu tư” côngtơ mới chỉ khoảng 100.000 đồng, thậm chí ít hơn.

Theo ông Lợi, cách thức ăn cắp điện ở An Đông khá đơn giản, người dân không phải đi mua bộ chuyển nguồn như ở một số nơi mà “họ trực tiếp câu điện không qua côngtơ, hoặc tìm cách thay hay mài bánh răng khiến khi tiêu thụ điện, bánh răng bị trượt, đồng hồ không quay”. Kẹp chì để bảo vệ côngtơ sau đó cũng được làm lại, khó phát hiện. Ông Lợi cho biết thi thoảng lại được mời đi chứng kiến cảnh Công ty Hà Hanh bắt quả tang người dân trộm điện.

Ông Ngô Văn Hanh, giám đốc Công ty TNHH Hà Hanh, bức xúc cho biết tình trạng ăn cắp điện diễn ra phổ biến, thậm chí trên toàn địa bàn xã An Bình chứ không chỉ ở hai thôn An Đoài và An Đông. Ông Hanh nói công ty đã nhiều lần phát hiện và đề nghị UBND xã can thiệp nhưng tình hình vẫn không biến chuyển. Gần đây, công ty phải nhờ công an vào cuộc. Tính đến ngày 27-7, công ty phát hiện khoảng 400 hộ ăn cắp điện. Công an gọi hỏi những hộ có nghi vấn thì 40 hộ thừa nhận có “tiết kiệm” điện trái phép.

Ông Nguyễn Quang Lợi cho biết UBND xã An Bình nhiều lần họp, nhắc đi nhắc lại tình trạng ăn cắp điện nhưng ngay cả khi cử công an xã đi tuần tra cũng không đạt kết quả. “Nhiều hộ 1g-2g sáng mới thay, lắp, chỉnh công tơ, chúng tôi biết họ ăn cắp điện nhưng không có bằng chứng nên đành chịu” - ông Lợi nói.

Thiệt hại lớn

Theo ông Ngô Văn Hanh, Công ty Hà Hanh mỗi tháng doanh thu tiền điện chỉ khoảng 150 triệu đồng nhưng số tiền thất thoát tùy tháng, có tháng lên đến 70 triệu đồng. Vì vậy, công ty buộc phải tìm cách hạn chế sử dụng điện của những hộ đã chứng minh được hành vi ăn trộm điện.

Một đại diện của hợp tác xã có mặt tại UBND xã An Bình ngày 28-7 cho biết tình trạng ăn cắp điện tại xã đã được nói đến rất nhiều nhưng việc giải quyết đến nay vẫn chưa thể dứt điểm. Ông N.V.T. - người thôn An Đoài - nói thẳng: “Cũng không thấy người ăn cắp bị xử lý gì, cùng lắm là phạt mấy trăm ngàn đồng nên nhiều người khó khăn vẫn cứ phải làm liều thôi...”.

Ông Nguyễn Quang Lợi nói không biết khi nào sẽ chấm dứt được tình trạng ăn cắp điện.

Trong khi đó, ông Ngô Văn Hanh thì khẳng định cứ với đà này, công ty ông sẽ không có tiền đóng cho Điện lực Hải Dương nên đến một lúc nào đó phải cắt điện.

Phạt từ 1-30 triệu đồng

Theo một cán bộ Tập đoàn Điện lực VN, tình trạng ăn cắp điện vẫn diễn ra âm thầm ở nhiều địa phương chứ không chỉ riêng ở An Bình, Nam Sách, Hải Dương.

Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15-6-2010 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực đã quy định rất rõ việc xử phạt với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức. Nếu ăn cắp điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, mức phạt tiền cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng dưới 100 kWh. Mức phạt sẽ là 2-3 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 100 kWh đến dưới 300 kWh. Mức phạt tuần tự tăng lên tùy theo số lượng điện bị ăn cắp. Mức phạt tiền cao nhất là từ 25-30 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 2.500 kWh đến dưới 3.000 kWh. Trên 3.000 kWh có thể bàn giao cơ quan công an xem xét xử lý.

CẦM VĂN KÌNH(TT)