Thương binh tàn nhưng không phế

Việc tử tế - Ngày đăng : 07:14, 30/07/2012

Con ngõ nhỏ quanh co dẫn chúng tôi đến thăm nhà của cựu chiến binh - thương binh Vũ Minh Nhuân tại thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện).


Thương binh 2/4 Vũ Minh Nhuân khắc phục khó khăn, tích cực làm kinh tế gia đình,
nuôi dạy con cái nên người


Năm 1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vừa tròn 17 tuổi, Vũ Minh Nhuân hăng hái nhập ngũ. Tháng 4-1975, trong một trận đánh, ông bị vỡ xương quai hàm trên, vỡ xương gò má trái, hẹp cánh mũi trái, bị một vết thương ở đùi, có mảnh đạn trong ổ bụng. Kết quả giám định thương binh hạng 2/4.  Sau khi điều dưỡng 6 tháng, năm 1976, ông trở về quê, thôn Tiến Sơn, xã Thanh Giang (Thanh Miện). Thương tật đeo đẳng, những tưởng cánh cửa hạnh phúc đã khép lại đối với chàng trai trẻ. Song cuộc sống lại mỉm cười với ông được cô gái cùng xã Vũ Thị Thi đem lòng yêu mến. Vượt qua những khó khăn, thử thách và cả những mặc cảm thương tật, hai người đã đến với nhau và xây dựng mái ấm gia đình. Cũng từ đây, hai vợ chồng người thương binh cùng nhau bước vào một trận tuyến mới - trận tuyến chống đói nghèo. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vốn để làm ăn thiếu thốn nên lưng vốn chỉ là nghị lực của người lính đã từng lăn lộn ở chiến trường khói lửa, là quyết tâm "Bàn tay ta làm nên tất cả"… Rồi lần lượt sau đó những người con của họ ra đời. Cùng với niềm hạnh phúc thì gánh nặng gia đình lại đè nặng hơn trên đôi vai hai vợ chồng người thương binh ấy. Khó khăn chồng chất khó khăn, sức khoẻ của ông Nhuân ngày càng giảm sút lúc trái gió, trở trời vết thương lại tái phát đau đớn triền miên. Với tiền trợ cấp ít ỏi, mấy sào ruộng cấy, lại tiền thuốc men, lo cho con cái ăn học…Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền muốn làm ông khuỵu ngã…

Năm 2005, xã có chủ trương chuyển đổi ruộng cấy lúa bấp bênh sang đào ao thả cá. Sau nhiều ngày suy nghĩ, bàn tính, hai vợ chồng đã bàn bạc đổi ruộng về khu đồng Dấu gần nhà để đào ao, thả cá và làm vườn. Đây là khu chua trũng, cấy lúa không hiệu quả, dân làng hầu như không ai muốn nhận cấy. Vì vậy, khi ông Nhuân đứng ra nhận chuyển đổi, không ít những người họ hàng, anh em không đồng tình. Song với sự quyết tâm, ông cùng vợ từng ngày gây dựng khu chuyển đổi. 7 năm qua, người dân thôn Tiêu Sơn đã quá quen thuộc với hình ảnh người thương binh ấy hằng ngày miệt mài cuốc đất, trồng cây... Tại khu chuyển đổi, ông có một ao rộng khoảng 2.000 m2 chuyên thả cá giống, trên bờ kết hợp trồng các loại cây ăn quả như: mít, xoài, dừa... trừ chi phí, mỗi năm cho lãi hơn 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, vợ chồng ông còn cấy 6 sào ruộng. Dù điều kiện còn khó khăn nhưng với mong muốn các con được ăn học trưởng thành, ông và vợ mình đã tần tảo, tiết kiệm, chắt bóp những đồng tiền ít ỏi để nuôi 3 người con. Đáp lại mong muốn của bố mẹ, con ông bà rất chăm ngoan, học giỏi. Người con đầu sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật y tế Hải Dương, hiện là y tá tại Làng hữu nghị (Trung ương hội Cựu chiến binh Việt Nam); người con thứ hai tốt nghiệp Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và người con thứ ba hiện đang theo học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Ông Nhuân cho biết: "Cuộc sống của vợ chồng tôi khổ cực cũng chỉ mong sao các con được ăn học bằng bạn bằng bè. Thấy các cháu trưởng thành vậy là mãn nguyện. Thương tật, đau đớn hình như cũng giảm bớt...".

Không chỉ tích cực làm kinh tế, thương binh Vũ Minh Nhuân còn nhiệt tình tham gia các phong trào của Hội Cựu chiến binh và các hoạt động của địa phương. Ông đã 10 năm tham gia công tác thanh tra nhân dân của xã Thanh Giang, từ năm 2001 - 2011. Ông cùng Ban Thanh tra nhân dân xã tham gia giám sát nhiều công trình xây dựng như: Trường Mầm non, Trường Tiểu học, Trường THCS, làm đường giao thông, quản lý thu, chi các loại quỹ do nhân dân đóng góp... Bên cạnh đó, ông cũng đã có 10 năm tham gia vào Ban Quản lý đình chùa thôn. Ở bất cứ cương vị nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và được bà con quý mến. Bản thân ông nhiều năm liền được công nhận là cựu chiến binh gương mẫu, gia đình văn hoá, gia đình khuyến học...

Rời khỏi ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của thôn Tiêu Sơn, ấn tượng chúng tôi mang theo về là hình ảnh người thương binh giàu nghị lực. Ông đã cho chúng tôi một lần nữa hiểu hơn về bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, về tinh thần vươn lên vượt qua mọi khó khăn thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: Thương binh tàn nhưng không phế.

PHẠM THỊ LOAN