Khó khăn trong công tác dân số

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 05:29, 31/07/2012

6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 1.135 trẻ mới sinh, trong đó 148 trẻ là con thứ 3 trở lên. Tỷ số giới tính khi sinh 6 là 126 bé trai/100 bé gái...


Cán bộ y tế Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng tư vấn cách nuôi con bằng sữa mẹ cho thai phụ

Thị trấn Lai Cách có  hơn 13 nghìn khẩu thường trú và gần 7.000 khẩu tạm trú ở 20 thôn, khu dân cư. Trong đó, gần 100% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Việc tổ chức truyền thông dân số theo nhóm nhỏ của thị trấn rất vất vả. Chị Đỗ Thị Thuấn, cán bộ chuyên trách về công tác dân số - KHHGĐ của thị trấn Lai Cách cho biết: “Hầu hết các buổi truyền thông dân số của thị trấn phải tổ chức lồng ghép với nội dung sinh hoạt của Hội Phụ nữ. Thời gian tổ chức thường vào ngày nghỉ và buổi tối (sau 8 giờ). Thế nhưng tỷ lệ chị em tham gia cũng chỉ ở mức khiêm tốn) chỉ đạt 40-50% số được mời và chủ yếu là các chị  không còn nhu cầu sinh đẻ. Nguyên nhân do các nữ công nhân trẻ sau một ngày tăng ca vất vả, chỉ muốn nghỉ ngơi, không muốn “bị làm phiền” bởi các hoạt động tập thể. Đối tượng là công nhân ở trọ lại càng khó tiếp cận. Dân số đông, địa bàn rộng, nhưng lực lượng cộng tác viên (CTV) dân số của thị trấn cũng chỉ có 23 người. Với mức phụ cấp 70 nghìn đồng/tháng (năm 2011) và 103 nghìn đồng/người/ tháng (bắt đầu từ năm 2012), rất khó để các CTV nhiệt tình với công việc. Ban Dân số thị trấn cũng đề xuất ý tưởng tổ chức truyền thông trong các công ty, song  hầu như không được các chủ doanh nghiệp chấp thuận”.

Ở xã Cẩm Điền, tình trạng cũng tương tự. Chị Đào Thị Lan, cán bộ chuyên trách dân số xã cho biết: Toàn xã có 956 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng thì có tới 182 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và 163 người làm công nhân. Mỗi đợt tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ của xã cũng chỉ có  40-50% số đối tượng đăng ký tham gia.

Khó khăn của thị trấn Lai Cách hay của Cẩm Điền cũng là khó khăn chung của nhiều xã ở Cẩm Giàng. Khó thực hiện truyền thông theo nhóm, hầu hết các Ban Dân số xã, thị trấn ở Cẩm Giàng đều tranh thủ ngày tiêm phòng (25 hằng tháng) để tiếp cận, cung cấp thông tin, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh. Tuy nhiên, hiệu quả của cách làm này cũng chưa được như mong muốn, vì các bà mẹ là công nhân thường muốn nhanh chóng kết thúc việc phải làm ở Trạm Y tế để đến nhà máy, hoặc giao phó việc chăm sóc trẻ cho ông bà.


Theo dõi sức khỏe cho trẻ tại Trạm Y tế xã Cẩm Định


Không được tiếp cận với các thông tin về dân số, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Theo Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cẩm Giàng, qua các  chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ cho thấy, có hơn 80% số phụ nữ tham gia khám phụ khoa mắc các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản. Nhiều phụ nữ mang thai ngoài ý muốn do thiếu hiểu biết các biện pháp tránh thai. Đáng nói là, tỷ lệ người sinh con thứ ba của huyện vẫn ở mức cao (từ năm 2009 trở lại đây luôn ở mức trên 10%). 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 1.135 trẻ mới sinh, trong đó 148 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm 12,46%, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính khi sinh của huyện 6 tháng đầu năm nay là 126  bé trai/100 bé gái (cùng kỳ năm 2011 là 124/100).  Một  vấn  đề mới phát sinh là tình trạng trẻ mới sinh nhẹ cân (dưới 2,5 kg) xuất hiện ngày càng nhiều. Trong số 709 trẻ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện có 67 trẻ khi sinh dưới 2,5kg, chiếm hơn 9,4%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2011. Chị Đỗ Thị Thuấn, cán bộ chuyên trách dân số thị trấn Lai Cách cho biết: Gần đây, trên địa bàn thị trấn xuất hiện một số trường hợp mang thai đủ tháng song cân nặng của trẻ khi mới sinh vẫn ở mức thấp (dưới 2,5 kg), cá biệt có trường hợp chỉ đạt 1,7 kg, tập trung chủ yếu ở đối tượng công nhân, thời gian làm việc căng thẳng, môi trường làm việc độc hại. Có mặt tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng, chúng tôi đã gặp một số phụ nữ mang thai là công nhân. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, công nhân Công ty TNHH Công nghiệp Brother cho biết: "Công việc của em liên tục phải đứng, khi mang thai em thấy rất mệt mỏi. Nhưng theo quy định, phải mang thai từ tháng thứ 7 trở đi chúng em mới được chuyển sang công việc khác phù hợp hơn". Đây là lý do khiến chị Nguyệt phải nghỉ làm để đi khám thai khi thấy có những dấu hiệu bất thường. Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Cẩm Giàng cũng đang gặp khó khăn do biến động dân số cơ học. Nhân khẩu tạm trú đông, khiến một số trường học trên địa bàn huyện trở nên quá tải. Dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng bị ảnh hưởng. Nhiều Trạm Y tế thường xuyên trong tình trạng thiếu vắc- xin tiêm phòng do đối tượng vãng lai đến tiêm vượt dự kiến…

Để giải quyết những vấn đề trên, ngoài sự cố gắng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở Cẩm Giàng, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và các ngành chức năng từ tỉnh tới huyện. Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn trong các khu, cụm công nghiệp nên kiến nghị với chủ doanh nghiệp tạo điều kiện để công nhân được tiếp cận các thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và KHHGĐ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về chế độ với lao động nữ trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ. Cần bố trí quỹ đất phù hợp để mở rộng các trường học, theo kịp tốc độ phát triển và quy mô dân số của địa phương. Tăng cường quản lý đối với nhân khẩu tạm trú, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế, giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dân số…

 THANH MAI