Đình Trinh Nữ
Di tích - Ngày đăng : 10:01, 05/08/2012
Đình Trinh Nữ thuộc xã Hồng Khê (Bình Giang) được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá từ năm 2005.
Đình Trinh Nữ, nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân địa phương
Đình xây dựng vào thời Lê trung hưng, thờ Hoằng công Nguyễn Uy. Theo tài liệu lưu giữ tại đình, Hoằng công Nguyễn Uy quê ở Nghệ An, là 1 trong 5 anh em họ Nguyễn, gồm: Vân Lôi công, Tế công, Uy công, Hoằng công Nguyễn Uy và Linh Quang công. Khi giặc Tống nhòm ngó nước ta, vua Lê Đại Hành có hịch truyền cầu hiền tài ra giúp nước, các ông đến xin tuyển thí. Vua thấy 5 ông có tài văn võ, tướng mạo khôi ngô liền phong cho 5 anh em chức Trung Hoa đại tướng quân. 5 ông ra trận, đánh thắng giặc trên sông Bạch Đằng, sau đó tiếp tục đuổi giặc đến sông Nghĩa Giang. Do không có thuyền bè trên sông, 5 ông liền chặt cây ngô bên bờ, hạ xuống làm thuyền qua sông đuổi giặc. Thuyền ngô ra đến giữa sông bị nước cuốn trôi, 5 ông đều hoá. Sau đó, thuyền trôi theo dòng nước về sông Cầu Vở, thuộc tổng Lôi Khê (Bình Giang) hiện nay thì dừng lại. Năm làng trong tổng Lôi Khê thấy linh ứng liền xin vua cho được thờ phụng 5 ông, trong đó làng Trinh Nữ thờ Hoằng công Nguyễn Uy.
Đình Trinh Nữ được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn. Đình có kiến trúc kiểu tiền nhất hậu đinh gồm: 5 gian đại bái, 2 dĩ, 3 gian trung đình và 1 gian hậu cung. Đến năm 1952, đình bị giải hạ để lấy vật liệu làm hầm phục vụ kháng chiến. Từ năm 2003, đình tiếp tục được tôn tạo, tu sửa. Đến nay, khu đình rộng 982 m2, gồm các gian: đại bái, gian dĩ, hậu cung và dải vũ. Hiện tại, trong đình còn lưu giữ nhiều cổ vật, trong đó đáng chú ý có tấm bia đá từ thời vua Tự Đức, cỗ ngai và bài vị từ thời Nguyễn. Đây chính là những chứng tích lịch sử để UBND tỉnh xem xét, công nhận di tích lịch sử - văn hoá cho đình Trinh Nữ.
Hằng năm, từ ngày 15- 19 tháng 2 âm lịch, đình Trinh Nữ mở hội, trong đó lễ rước chính diễn ra trong ngày 18. Đoàn rước gồm: đoàn đội lễ, đoàn bát biểu, kiệu, tàn, lọng, ngai, đội nhạc, đội tế nam, đội tế nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, đội thiếu nhi... tổng số khoảng 600 người. Hiện nay, xã Hồng Khê đang cố gắng phục dựng lại lễ rước chạ có từ xa xưa. Lễ này xuất phát từ việc xưa kia làng Trinh Nữ kết nghĩa với làng Phú Đa. Vì thế, làng Trinh Nữ không chỉ rước lễ quanh làng của mình mà rước cả lên làng Phú Đa. Làng này sẽ tổ chức đãi bún bò cho đoàn rước. Sau đó, đoàn lại rước trở về đình Trinh Nữ. Trong lúc rước, có 10 cụ mặc áo tế gọi là hội "hò hoé". Các cụ đi một đoạn thì hò: “Chạ nhà ngươi như chồng, chạ nhà ta như vợ, hai chạ giao lân chi nghĩa”, xong lại đồng thanh "hò hoé". Đây được xem là bản sắc văn hóa của lễ hội làng Trinh Nữ. Theo lệ làng, con trai, con gái 2 làng Trinh Nữ và Phú Đa không được lấy nhau; làng nào có công có việc thì làng kia phải tới giúp.
Trong phần hội, tại đình Trinh Nữ diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: vật, cờ người, bịt mắt bắt dê, đi cầu thùm, hát chèo, quan họ... Những ngày lễ hội, đình Trinh Nữ thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, trong đó có du khách quốc tế. Để lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa của đình Trinh Nữ, UBND xã Hồng Khê đã thành lập Ban Quản lý khu di tích. Hằng năm, sau mỗi kỳ lễ hội, số tiền công đức thu được (trung bình từ 17-20 triệu đồng) sẽ được Ban Quản lý sử dụng cho việc tu sửa và gìn giữ đình.
Đình Trinh Nữ trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của nhân dân địa phương. Đây cũng là nơi để lại những dấu ấn lịch sử đặc biệt, phản ánh quá trình đánh đuổi quân Tống ra khỏi bờ cõi nước ta dưới thời vua Lê Đại Hành. Do vậy, việc bảo tồn di tích đình Trinh Nữ sẽ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm cho thế hệ hôm nay và mai sau.
THÚY HÀ