Day dứt một triết lý nhân sinh

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 13:46, 05/08/2012

Những bài thơ thành công của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thường có những tứ thơ sâu sắc về triết lý nhân sinh nhưng được chuyển tải bằng ngôn ngữ thơ nhuần nhị và tươi rói. "Mẹ và Quả" là tứ thơ độc đáo và cảm động khi viết về mẹ. Quả tượng trưng cho sự sống mà mẹ chính là người gieo trồng chăm bẵm và mong mỏi được hái: "Những mùa quả lặn rồi lại mọc - Như mặt trời, khi như mặt trăng". Chữ "mọc" thì hiển nhiên khi nói về cây trồng thực vật. Nhưng chữ "lặn" là một sáng tạo mới mẻ của nhà thơ.

Ngoài sự chuyển dịch của thời gian, không gian còn có cả sự chuyển dịch không ngừng của sự sống, sức sống trỗi dậy tiềm ẩn chứa những trữ lượng sống nhân văn đầy ắp. Sự vận động này còn mang ý nghĩa triết học biện chứng. Giọng thơ ông điềm đạm, khiêm nhường trong "Mẹ và Quả" là một ứng xử giao hòa giữa con người với thiên nhiên. "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên" rồi "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời". Ở đây nhà thơ không nói "Lũ chúng con" và "chúng con" mà dùng "chúng tôi" có lẽ bởi ông muốn nới rộng biên độ tình cảm với sức khái quát lớn hơn ở một lứa tuổi đã đủ bản lĩnh và tự tin trước sự biến động của cuộc sống. Thường, chúng ta nhìn sự thay đổi của vạn vật bằng sự lớn lên, vươn lên cả về hình khối và thể chất.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là người đầu tiên phát hiện sự "lớn xuống" hướng tâm về mặt đất không phải bằng độ oằn cong của cành mà bằng chính kích thước của quả, của sự lớn nhiều chiều trĩu nặng, mang bao ý nghĩa hàm ơn sinh thành: "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên - Còn những bí, những bầu thì lớn xuống". Ông gọi tên bí, tên bầu như tên người thân thiết đầy biểu cảm và giao cảm. Phải có con mắt tinh tế và tấm lòng nhân ái mới nhận ra những bí, những bầu ấy: "Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn - Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi". Những giọt mồ hôi ngưng tụ giữa không gian mang một vẻ đẹp thuần khiết kết tinh mà ám ảnh; vừa day dứt, vừa tôn vinh hình ảnh người lao động thật bình thản và tự tin làm chủ cuộc sống. Chữ "rỏ" đông kết mà lan tỏa, ấm nóng sự cộng hưởng của tình người. Tôi nghĩ khó có thể thay được chữ nào hay hơn thế, vừa tôn kính thiêng liêng, vừa ấm áp nhân hậu. Bài thơ có một giá trị lay thức thẩm mỹ khi ông thảng thốt: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi- Mình vẫn còn một thứ quả xanh non". Một sự thú nhận nhiều trực cảm; sự lan tỏa của bài thơ vì thế ngân vọng sâu xa hướng con người tới cội nguồn và vẻ đẹp vĩnh cửu của cõi "Thiện".   

NGUYỄN NGỌC PHÚ

NGUYỄN KHOA ĐIỀM


           Mẹ và Quả


Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
 Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh.