Những kiểu hối lộ
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 07:54, 08/08/2012
Tham nhũng đang tồn tại trong đời sống kinh tế-xã hội hiện nay. Đó là việc nhận hối lộ của người chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy bằng cấp, chạy vào biên chế, xin việc, chuyển vị trí công tác, chuyển vùng, chuyển trường, tuyển sinh, xin tách "bìa đỏ"… Đây là một loại "luật bất thành văn". Tùy theo tính chất yêu cầu công việc, khoản tiền hối lộ có thể là 3-5 triệu đồng; 15-20 triệu; 60-70 triệu, có khi hàng trăm triệu.
Đã hối lộ thì phải "kín", lộ ra là không được việc. Nhiều người chỉ biết than phiền với người thân đã phải chi một khoản tiền lớn mới giải quyết được việc. Người nghe, tuy rất bức xúc, nhưng cũng chỉ an ủi "xã hội bây giờ nó thế", là thủ tục "đầu tiên" (tiền đâu).
Hối lộ là hành vi mà người đưa hối lộ không thể tố cáo được, pháp luật quy định người hối lộ cũng có tội… Còn người biết chuyện mà tố cáo thì bằng chứng đâu, không khéo lại mắc tội vu khống…
Người tham nhũng thường là người có chức, có quyền. Họ không lộ mặt bằng cách thông qua người thứ ba. Vì vậy, các vụ hối lộ bị bắt quả tang rất ít, thường là những vụ không thỏa thuận được số tiền hoặc mâu thuẫn. Vì vậy, tham nhũng theo kiểu nhận hối lộ vẫn "an toàn", đã trở nên "phổ biến".
Trong xã hội còn một loại hối lộ khác, với số tiền không lớn, nhiều cũng chỉ 1-2 triệu đồng, thường chỉ vài trăm nghìn đồng. Đó là khoản tiền lót thay "bỗi dưỡng" cho các nhân viên y tế, bác sĩ khi có người nhà phải phẫu thuật, phải điều trị… để được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Nhiều người còn coi việc bồi dưỡng này như là "đạo lý" vì có bồi dưỡng, nên người bệnh cũng được đối xử chu đáo hơn… Do đó, từ sự tự nguyện đã trở thành "không có bồi dưỡng là áy náy, không yên tâm", nên phải tìm cách đưa "phong bì" cho bằng được.
Với những thầy thuốc, bác sĩ có lương tâm thì từ chối, nhưng số đó rất ít, còn số đông vẫn nhận. Hiện tượng này dần dần cũng đã trở thành lệ, gây nhiều bức xúc cho người bệnh. Đến nỗi, nhiều bệnh viện phải công khai thông báo: "Nghiêm cấm nhân viên, bác sĩ gợi ý hoặc nhận quà, tiền của người bệnh dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc". Nhưng đó chỉ là khẩu hiệu thôi, thực tế thì họ đều sẵn sàng nhận khoản "cảm ơn" đó!
Ngoài ra còn nhiều kiểu tham nhũng khác thông qua việc nhận hối lộ ở các ngành khác.
Những kiểu hối lộ trên đây đang làm nhức nhối xã hội và nguy hiểm hơn, nó đang trở thành "bình thường" cuộc sống. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp thường xuyên, kiên quyết để dẹp bỏ nạn tham nhũng.
PHẠM NHƯ HÙNG(Hà Nội)