Khẩn trương chống úng

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:23, 11/08/2012

Trận mưa rất to từ chiều tối và đêm 9-8 đã làm hàng nghìn ha lúa trong tỉnh bị ngập nặng, nhiều tuyến phố của TP Hải Dương cũng bị nước nhấn chìm...



Mưa lớn làm gần 10 ha lúa của thôn Đông Phong, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) ngập sâu.
Ảnh: Ngọc Thủy

Sáng 10-8, chúng tôi có mặt tại thôn Đông Phong, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Cánh đồng thôn Đông Phong nằm giữa một bên là đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, một bên là khu dân cư, không có sông hoặc kênh lớn, rất khó khăn trong việc tiêu thoát nước. Ông Nguyễn Ngọc Ích, một người dân trong thôn cho biết: "Mưa lớn kéo dài từ đầu tuần đến nay đã làm cho gần chục ha lúa của chúng tôi bị ngập tới ngọn. Nếu trong vài ngày tới, tình trạng ngập úng không được khắc phục thì lúa sẽ bị chết”.


Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tứ Kỳ, mưa lớn kéo dài (lượng mưa đo được tại trung tâm huyện gần 200 mm) đã làm trên 800 ha lúa mùa bị ngập. Phòng đã phối hợp với Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện huy động tối đa các máy để bơm tiêu úng. Đến ngày 10-8, trên địa bàn huyện còn khoảng 23 ha bị ngập úng nặng, trong đó xã Bình Lãng có khoảng 15 ha; Đông Kỳ 5 ha; diện tích ngập úng còn lại thuộc xã Tây Kỳ. Đồng chí Nguyễn Văn Khuông, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết: Những năm trước khi trời mưa lớn và kéo dài, tình trạng ngập úng cũng xảy ra. Tuy nhiên, chỉ cần khơi thông dòng cho nước tự chảy là vài tiếng đồng hồ sau tình trạng ngập úng không còn. Từ năm 2011, do ảnh hưởng của việc thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhiều xe ô - tô chở cát, đá qua đường, cống rãnh thoát nước bị vùi lấp nên việc tiêu úng rất khó khăn. Sáng 10-8, UBND huyện Tứ Kỳ đã có công văn gửi chủ nhà thầu thi công gói thầu EX5, EX6 đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và UBND các xã Đông Kỳ, Tây Kỳ, Bình Lãng, Quang Phục, Ngọc Kỳ, Hưng Đạo, Tứ Xuyên và Tái Sơn, trong đó yêu cầu các nhà thầu tổ chức ngay việc khơi thông dòng chảy những vị trí cống tiêu thoát nước và các đoạn kênh tiêu bị ảnh hưởng do việc thi công đường, thời hạn đến 10 giờ ngày 11-8 phải xong. Đối với những khu vực do ảnh hưởng của việc thi công đã làm cao hơn cống thoát nước thì phải tháo dỡ, lắp đặt lại. UBND các xã trên cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thi công thực hiện yêu cầu của UBND huyện, đồng thời chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp khơi thông dòng chảy những tuyến kênh do xã quản lý để tạo điều kiện cho nước tiêu, thoát nhanh hơn.

Đợt mưa kéo dài làm hơn 500 ha lúa của huyện Kim Thành bị ngập 2/3 cây. Ông Nguyễn Đồng Khởi, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Kim Thành cho biết: Khả năng có vài chục ha lúa sẽ bị chết, tập trung ở các xã: Kim Xuyên, Ngũ Phúc, Thượng Vũ...; 200 ha dưa ở các xã Bình Dân, Đồng Gia, Tam Kỳ đang cho thu hoạch bị ảnh hưởng về chất lượng và giá bán. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huy động 6 trạm công suất 139 nghìn m3/giờ để tiêu úng; mở 4 cửa cống Cái Tắc (thuộc hệ thống An-Kim-Hải) để tiêu nước.

Bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN-PTNT cho biết: Mặc dù mưa lớn và kéo dài nhưng do làm tốt công tác dự phòng và huy động máy bơm, cán bộ thủy lợi khơi thông dòng chảy nên tình trạng ngập úng trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Hầu hết các diện tích ngập úng đều được tiêu thoát nước nhanh. Đến nay, chưa có diện tích lúa, hoa màu chết do ngập úng. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận diện tích rau màu bị dập nát, phát sinh các loại bệnh. Đối với lúa, nếu bị ngập sâu trong nước quá 7 ngày thì sẽ khó sống. Trước tình trạng trên, các địa phương cần chủ động tiêu thoát nước, tập trung vào diện tích triều trũng hay xảy ra ngập úng. Với diện tích hoa màu, người dân cần khơi thông ruộng, không để nước trong ruộng vào thời điểm này. Cần thường xuyên vệ sinh ruộng, thu gom cây, lá bị dập, héo, tránh sâu bệnh phát triển. Đến 5 giờ chiều 10-8, toàn tỉnh còn 180 ha diện tích lúa bị ngập, trong đó huyện Thanh Hà 120 ha, Kim Thành 40 ha và Tứ Kỳ 20 ha. 

* Nhiều tuyến phố ở TP Hải Dương vẫn ngập sau mưa lớn

Chiều 9 - 8, một trận mưa lớn kéo dài đến rạng sáng 10 - 8 cũng đã khiến hàng loạt tuyến đường như Quán Thánh, Hoàng Diệu, Trần Cảnh, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Ngô Quyền, Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Ngọc Du, Vũ Hựu... cùng nhiều tuyến đường nhỏ trong các khu dân cư thuộc các phường Bình Hàn, Cẩm Thượng, Thanh Bình, Tân Bình bị ngập nặng. Nhiều tuyến phố như Quán Thánh, Hoàng Diệu, Ngô Quyền... ngập sâu từ 30 - 40 cm, gây tê liệt giao thông cục bộ. Theo ông Nguyễn Đình Khanh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hải Dương thì tình trạng này đã được dự báo từ trước, bởi những "điểm đen" ngập úng này hiện vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để. 


Đến trưa 10-8, phố Quán Thánh (TP Hải Dương) vẫn ngập chìm trong nước, Ảnh: VịThủy


Đến 11 giờ trưa 10 - 8, các phố Trần Cảnh, Hoàng Diệu và nhiều tuyến phố khác vẫn bị ngập. Mọi hoạt động buôn bán gần như đình trệ.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn tỉnh, tỉnh ta còn có mưa trong một vài ngày tới. Để hạn chế tình trạng lúa và hoa màu bị ngập, các địa phương cần nắm chắc tình hình, huy động mọi lực lượng vào việc tiêu úng cho nhân dân, tránh thiệt hại do mưa gây ra.

Theo ông Nguyễn Đình Khanh, Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty TNHH một thành viên Quản lý công trình đô thị Hải Dương, ngay khi có mưa lớn, công ty đã huy động toàn bộ lực lượng ở các trạm bơm tiến hành bơm nước đồng loạt. Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn, vượt xa khả năng tiêu thoát của toàn hệ thống, nên đến trưa 10 - 8, nước trên nhiều tuyến phố vẫn chưa thấy rút. Ông Khanh cho rằng, nếu với tốc độ bơm như hiện tại, phải 2 ngày nữa mới có thể bơm hết lượng nước này (trong điều kiện trời không mưa). Hiện tại, công ty đang quản lý và khai thác 19 trạm bơm với công suất 110 nghìn m3/giờ. Trong đó chỉ có 2 trạm bơm có công suất tương đối lớn là Ngọc Châu (40 nghìn m3/giờ) và trạm bơm Đồng Niên (16 nghìn m3/giờ). Đây cũng là 2 trạm bơm mới đưa vào sử dụng khoảng chục năm nay. Những trạm bơm còn lại được xây dựng và vận hành từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đến nay, hầu hết máy móc đã cũ, khả năng vận hành kém. Bên cạnh đó, những trạm bơm này cùng với hạ tầng kỹ thuật đi cùng trước kia chủ yếu phục vụ tưới, tiêu cho diện tích lúa và hoa màu, nên không phù hợp khi chuyển sang mục đích thoát nước đô thị.


PV