Bác tự phê bình

Tin tức - Ngày đăng : 15:33, 12/08/2012

Mọi người đều biết, tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì dù là ai, ở lĩnh vực nào cũng có thể soi vào đó để học tập và làm theo.



Người nói chuyện với các đại biểu trí thức dự Hội nghị chính trị đặc biệt


Mọi người đều biết, tấm gương đạo đức của Bác Hồ thì dù là ai, ở lĩnh vực nào cũng có thể soi vào đó để học tập và làm theo. Ở góc độ tự phê bình và phê bình, có thể nói, Bác Hồ là mẫu mực và cũng là người đầu tiên công khai tự phê bình trước toàn thể đồng bào, đồng chí cả nước. Đấy là vào ngày 28 - 1 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố bản “Tự phê bình” đầu tiên trước quốc dân đồng bào. Ngay lời mở đầu, Bác Hồ trân trọng viết: “Hỡi các đồng bào yêu quý! Vì yêu mến và tin cậy tôi, mà đồng bào giao vận mệnh nước nhà, dân tộc cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái, phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”.

Chúng ta biết, khi bản “Tự phê bình” của Bác Hồ công bố thì nhân dân ta mới giành chính quyền được 5 tháng. Chính phủ của dân, do dân, vì dân do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vừa ra đời đã liên tiếp gặp bao khó khăn thử thách. Nhưng nhờ sự đoàn kết của toàn dân và sự lãnh đạo của chính quyền các cấp, trong 5 tháng ấy, nhân dân ta đã làm được nhiều việc vô cùng ý nghĩa. Bác Hồ thẳng thắn chỉ rõ từng công việc đồng bào và chiến sĩ ta đã làm trong thời gian ngắn đó là: “Xây dựng nền độc lập của nước nhà; lãnh đạo cuộc kháng chiến miền Nam; ra sức kêu gọi tăng gia sản xuất và tìm mọi cách cứu đói ở miền Bắc; tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, chuẩn bị thành lập Quốc hội”. Đến đây, Bác Hồ ngắt đoạn, xuống dòng, viết một câu ngắn gọn, thẳng thắn, nghiêm khắc đến xúc động: “Ngoài những việc đó, Chính phủ do tôi đứng đầu, chưa làm việc gì đáng kể cho nhân dân”. Bởi: “Chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào”. Thẳng thắn và nghiêm khắc như thế, nhưng dường như Bác Hồ vẫn thấy chưa nêu ra hết những khuyết điểm mà với cương vị người đứng đầu Chính phủ, Bác có trách nhiệm kiểm điểm làm rõ trước quốc dân đồng bào. Vì thế, Bác Hồ thẳng thắn tự phê bình những công việc mà với cương vị người đứng đầu Chính phủ, Bác thấy cần thiết báo cáo trước quốc dân đồng bào. Bằng những lời ngắn gọn, dễ hiểu, sâu sắc, Người chỉ rõ: “Tuy tranh được quyền độc lập đã 5 tháng, song các nước chưa công nhận nước ta. Tuy các chiến sĩ ta rất oanh liệt, song kháng chiến chưa thắng lợi. Tuy nhiều người trong ban hành chính làm việc tốt và thanh liêm, song cái tệ tham ô, nhũng lạm, chưa quét sạch. Tuy Chính phủ ra sức sửa sang, song nhiều nơi chính trị vẫn chưa vào lề lối”. Với người lãnh đạo bình thường, những việc Chính phủ chưa làm được đó có thể viện dẫn do thời gian còn ngắn, mới có 5 tháng, do bộ máy hành chính mới được thiết lập, hoặc vô vàn lý do khác. Nhưng với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những khuyết điểm đó không do nguyên nhân khách quan nào, mà Bác Hồ thẳng thắn nhận: “Tôi phải nói thật: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”. Đến đây hẳn bạn đọc cũng như tôi một lần nữa thêm bồi hồi xúc động trước thái độ thẳng thắn, nghiêm khắc đến chân thành của Bác Hồ trước trọng trách được nhân dân giao phó.

Thế nên khi tự phê bình, Bác Hồ đặt rõ vị trí của mình là người “cầm lái”, rồi từ vị trí đó mà kiểm điểm từng công việc của người “cầm lái” phải “chèo chống”. Có như vậy tự phê bình mới làm rõ ưu điểm, khuyết điểm mà trọng trách của người tự phê bình đang gánh vác, không kiểm điểm vòng vo ra ngoài nhiệm vụ mà người tự phê bình đang đảm trách. Bởi dẫu là ai, lãnh tụ hay dân thường, lãnh đạo hay nhân viên, thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi”. Thật là một cách nhìn biện chứng và đầy tính nhân văn. Mà suy cho cùng, tự phê bình và phê bình thực chất là việc làm “trị bệnh cứu người” mang đậm văn hóa, văn minh. Chỉ có thái độ thẳng thắn và nghiêm khắc như thế thì tự phê bình và phê bình mới thấu lý đạt tình, mang lại hiệu quả thiết thực, tăng cường sự đoàn kết và tính chiến đấu. Vì “không ai tránh khỏi khuyết điểm”, nên muốn sửa chữa khuyết điểm để hoàn thành công việc ngày một tốt hơn, nhiều ích lợi hơn cho tập thể, đơn vị thì chỉ có cách, như Bác Hồ chỉ rõ trong “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947: “Tự phê bình ráo riết, và phải lấy lòng thân ái, lấy lòng thành thật mà ráo riết phê bình đồng chí mình”. Người còn căn dặn: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”. Thật là một lời dặn dò giản dị, thân tình và gần gũi vô cùng với mỗi chúng ta, mà giữa những ngày này, các cấp bộ Đảng đang phấn khởi, tin tưởng học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đọc  lại và suy ngẫm về “Tự phê bình” của Bác Hồ càng thêm ý nghĩa và mang đậm tính thời sự. 

CAO NĂM