"Chỉ sợ lòng không bền"
Việc tử tế - Ngày đăng : 05:18, 14/08/2012
Chính câu nói của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” đã giúp ông Vũ Văn Xuyên vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ông Xuyên kiểm tra sản phẩm ngói mũi hài
Dù mang trong mình chất độc da cam, lại là thương binh hạng 4/4 nhưng ông Vũ Văn Xuyên ở thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) đã vượt qua khó khăn, trở thành người có công với cách mạng tiêu biểu năm 2012 được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Với ông, lời dạy của Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” trở thành kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động. Chính câu nói ấy đã giúp ông vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ông Xuyên sinh năm 1950, từng là lính đặc công tham gia chiến đấu tại chiến trường Huế - Quảng Trị khốc liệt những năm 1968-1972. Cũng chính thời gian này, ông bị nhiễm chất độc da cam. Sau khi phục viên trở về quê, ông Xuyên ấp ủ khát vọng làm giàu. Làng Cậy quê ông có truyền thống làm nghề gốm, từng nổi tiếng xứ Đông. Vì vậy, ông luôn trăn trở làm thế nào để tạo ra những sản phẩm mới có thể chiếm lĩnh thị trường, đem lại thu nhập cao. Ông mở xưởng sản xuất ngói. Lúc đầu, xưởng của ông sản xuất ngói mấp (giống ngói Hương Canh) nhưng hiệu quả không cao. Vì nhiều gia đình đổ trần bằng xi-măng hoặc lợp mái tôn... nên ngói mấp khó tiêu thụ. Ông tiếp tục đi các nơi học hỏi kinh nghiệm và chuyển hướng sang sản xuất ngói mũi hài. Đây là loại ngói đặc thù, phục vụ việc trùng tu, tôn tạo đền, chùa. Ông đã vay mượn tiền ngân hàng, bè bạn… mở 4 lò sản xuất ngói mũi hài. Ông đem ngói mũi hài đến một số đình, chùa giới thiệu và đã được nhà sư Thích Diệu Hạnh, trụ trì chùa Sùng Bảo, xã Xuân Dục, Mỹ Hào (Hưng Yên) đặt mua. Với giá phải chăng, chất lượng tốt, ngói do ông Xuyên sản xuất được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh đặt hàng để tu sửa đình, chùa, trong đó nhiều nhất là các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hải Phòng. Hiện tại, xưởng sản xuất ngói của ông tạo công ăn việc làm cho khoảng 20 lao động với mức thu nhập 80 nghìn đồng/người/ngày. Trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường, nhưng xưởng sản xuất ngói của ông vẫn kinh doanh có lãi, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Xuyên thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ sản xuất ngói.
Không chỉ sản xuất ngói, người thương binh nhiễm chất độc da cam này còn nhanh nhạy nắm bắt xu hướng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ông mua máy gặt phục vụ nông dân trong xã, thu hơn 30 triệu đồng/vụ. Theo ông, khi việc dồn điền đổi thửa được thực hiện đồng bộ, các cách đồng mẫu lớn được hình thành thì chiếc máy gặt của ông sẽ còn sinh lời hơn.
Những nguồn thu từ xưởng sản xuất ngói, máy gặt… giúp ông nuôi dạy 6 người con ăn học. Trong 6 người con ấy, không may mắn người con thứ 4 bị di chứng chất độc màu da cam. Với nghị lực vươn lên của ông và sự giúp sức, động viên kịp thời của người vợ, bà Nguyễn Thị Vĩnh, cuộc sống của gia đình ông Xuyên vẫn sung túc.
Mải làm giàu, chăm lo cho gia đình nhưng ông Xuyên cũng không quên làm từ thiện. Ông tích cực ủng hộ tiền cho các hoạt động của địa phương. Nhiều công trình đền, chùa tôn tạo, ông công đức ngói mũi hài. Giờ đã bước sang tuổi 62, nhưng ông Xuyên vẫn còn nhiều dự định ấp ủ. Trước mắt, là việc nâng cao chất lượng sản xuất ngói mũi hài, sau đó tiếp tục sáng tạo ra những sản phẩm mới, cơ sở có chỗ đứng vững vàng trước biến động của thị trường.
Bản thân bị nhiễm chất độc da cam và phải nuôi con cũng nhiễm thứ chất độc quái ác này nhưng ông Xuyên không ngồi đợi sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Nghị lực vươn lên chiến thắng bệnh tật để làm giàu của ông Vũ Văn Xuyên thật đáng trân trọng.
THÚY HÀ