Anh hùng và chiến sĩ tri thức

Tin tức - Ngày đăng : 15:23, 14/08/2012

Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri thức có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Cách đây 60 năm, ngày 14-8-1952, với bút danh C.B, Người đã viết bài “Anh hùng và chiến sĩ tri thức” đăng trên báo Nhân Dân.


Trong bài viết, Bác cho rằng, dưới chế độ thực dân và phong kiến, những người lao động trí óc, những người trí thức chân chính bị bọn thống trị biến thành những người làm thuê cho chúng, "sớm vác ô đi, tối vác về". Sinh hoạt tuy phong lưu, nhưng về tinh thần thì mờ mịt. Người khẳng định, dưới chế độ dân chủ mới, những người lao động trí óc cũng như lao động chân tay, đều có dịp phát huy và phát triển tài năng của mình nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Vì vậy, họ được đồng bào kính trọng, được Chính phủ và đoàn thể nêu cao.

Bác nêu ví dụ, trong Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu, người ta thấy: Kỹ sư Trần Đại Nghĩa được bầu làm một trong ba anh hùng lao động. Trong số 40 chiến sĩ lao động toàn quốc, thì có những nhà khoa học nổi tiếng như các bác sĩ Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Đức Khởi, kỹ sư Đặng Văn Vinh, thi sĩ Tú Mỡ và nhiều vị khác. Theo Người, điều đó chứng tỏ, Chính phủ kháng chiến rất quý trọng những người trí thức chân chính. Những người trí thức chân chính đều hăng hái tham gia kháng chiến. Chỉ một việc đó cũng đủ thấy: Ta nhất định thắng, địch nhất định thua.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trí thức yêu nước uyên bác. Sinh thời, Người đã có quan điểm khoa học toàn diện, xuyên suốt về trí thức và đã sớm khẳng định vai trò quan trọng của trí thức trong sự nghiệp cách mạng. Chỉ vài tháng sau khi đất nước giành được độc lập, với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Bác đã ra lời kêu gọi "Nhân tài và kiến quốc". Một năm sau, Người lại ra Chỉ thị tìm người tài đức, trong đó nhấn mạnh: "Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc, trí thức Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng. Có thể kể ra những trí thức làm cách mạng chuyên nghiệp như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Những trí thức trong chế độ phong kiến như: Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe... Hình ảnh cao đẹp của Hồ Chí Minh đã thực sự lôi cuốn và cảm hóa các nhân sĩ, trí thức chân chính.

Đến nay, câu chuyện phát huy vai trò tầng lớp trí thức của Bác luôn nguyên giá trị. Ngày nay, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã có các cuộc gặp và lắng nghe những đóng góp của đội ngũ trí thức cho sự phát triển chung của đất nước. Và những cuộc trao đổi như vậy là dịp để giới trí thức có cơ hội đóng góp nhiều hơn vào những vấn đề của đất nước, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, giúp nước ta gặt hái được những thành quả trong quá trình phát triển.

QUANG MINH(biên soạn)