Bội thu từ những thửa ruộng nhỏ
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 15:14, 26/08/2012
Thu lãi 75 triệu đồng mỗi năm từ trồng cà chua
Anh Đỗ Văn Vàng (45 tuổi) là một trong những nông dân trồng cà chua cho hiệu quả kinh tế cao nhất ở thôn Đông Giàng, xã Thượng Đạt (TP Hải Dương). Chúng tôi gặp anh khi anh đang chăm ruộng cà chua mới trồng được hơn một tháng. Anh nhẹ nhàng dùng rơm buộc cố định thân cây cà chua vào chiếc cọc. Ruộng cà chua đang bắt đầu nở hoa. Những cây cà chua mập mạp, đều đặn, tràn đầy sức sống. Anh Vàng chia sẻ: "Ngày nào tôi cũng ra ruộng nên chỉ cần nhìn lá là biết "sức khỏe" cây cà chua để chăm sóc cho phù hợp. Nếu lá cây mỡ quá, khi bón phân cần tăng lượng ka-li, giảm lượng đạm. Nếu thấy cây còi cọc thì phải bón thêm phân. Đối với cây cà chua, sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là phân chuồng sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao".
Mỗi sào cà chua ghép trên gốc cà tím của anh Đỗ Văn Vàng ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương)
cho năng suất bình quân 3-3,5 tấn quả
Trước năm 2008, cũng như nhiều nông dân khác ở thôn Đông Giàng, anh Vàng đã trồng nhiều loại cà chua khác nhau như: Hồng Lan, Hai Mũi Tên, VN2000, Savior... Mỗi năm, nông dân ở đây trồng 2 vụ cà chua, mỗi vụ kéo dài 4-5 tháng. Thường mỗi vụ cà chỉ cho thu hoạch 1 đợt quả. Do trồng nhiều vụ, thâm canh liên tục nên các giống cà chua bị nhiễm bệnh héo xanh khiến cây chết nhiều, năng suất giảm mạnh. Năm 2008, anh Vàng cùng nhiều nông dân đã trồng thử nghiệm giống cà chua ghép trên gốc cà tím do Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương cung cấp. Kết quả thử nghiệm cho thấy giống cà chua ghép chống chịu tốt với bệnh héo xanh và một số loại sâu, bệnh khác, cây sinh trưởng, phát triển khỏe trong nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Đặc biệt, cây cà chua ghép có thời gian sinh trưởng rất dài, khoảng 8 tháng. Trong đó, thời gian cho thu hoạch quả kéo dài 5-6 tháng. Anh Vàng bắt đầu trồng cà chua ghép vào tháng 7. Cuối tháng 9, cây đã cho thu hoạch. Loạt quả đầu sẽ thu hoạch trong 20-25 ngày. Sau đó, anh Vàng tiếp tục cắt tỉa, bón phân, phòng, trừ sâu, bệnh để lấy loạt quả thứ 2 vào tháng 12. Tiếp tục chăm sóc, cây cà chua sẽ cho loạt quả cuối cùng vào tháng 3 năm sau. Do thu nhiều đợt quả nên mỗi sào cà chua có năng suất bình quân 3 - 3,5 tấn quả. Sau khi thu hoạch cà chua, anh Vàng cho đất nghỉ hoặc trồng 1 vụ rau màu ngắn ngày trước khi bắt đầu trồng vụ cà mới. Mỗi năm, anh Vàng chỉ trồng 1 vụ cà chua. So với nhiều loại cà chua khác, quả cà chua ghép khi chín có tỷ lệ bột cao, ít hạt, màu sắc đỏ tươi. Trong hơn 10 năm trồng cà chua, anh Vàng đã từng đến Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) để học hỏi kỹ thuật trồng cà chua. Nhờ chịu khó học hỏi, lăn lộn sớm hôm trên ruộng cà, anh Vàng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm canh tác. Do thời gian thu hoạch quả sớm, lại ra nhiều đợt nên cà chua ghép thường bán được giá, tiêu thụ dễ dàng. Vào mùa thu hoạch, anh Vàng chở cà chua đến chợ đầu mối nông sản ở TP Hải Dương để bán. Năm 2011, chỉ với hơn 3 sào cà chua ghép, anh Vàng đã thu khoảng 90 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, anh thu lãi 75 triệu đồng.
Thu lãi 20 triệu đồng mỗi năm từ 1 sào ớt
Cũng giống như cây cà chua ở Thượng Đạt, cây ớt ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) đã giúp nhiều nông dân có những mùa vụ bội thu. Một trong những người trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao là anh Bùi Duy Khoa ở thôn Văn. Tháng 6 vừa qua, anh Khoa mới thu hoạch xong 2 sào ớt, thu được 50 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, anh vẫn còn lãi 44 triệu đồng.
Anh Bùi Duy Khoa ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) cho hiệu quả kinh tế cao
Anh Khoa lại mới trồng xong 3 sào ớt. Anh sử dụng giống ớt Demon. Giống này có thời gian sinh trưởng dài tới... 11 tháng. Nông dân trồng ớt từ tháng 7 năm trước, sau 70 ngày từ lúc trồng, ớt cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch quả kéo dài suốt từ tháng 9 năm trước tới tháng 6 năm sau mới kết thúc. Trên 1 cây ớt vừa phát triển thân lá, vừa có hoa, quả ớt to, nhỏ khác nhau, vừa có ớt chín. Người dân liên tục chăm sóc, liên tục thu hoạch quả. Giống ớt này sinh trưởng, phát triển rất khỏe, chống chịu tốt với thời tiết bất thuận và nhiều loại sâu, bệnh. Khi chín, quả có kích cỡ nhỏ, khá thẳng, vị rất cay.
Theo anh Khoa, để trồng ớt có hiệu quả cao thì mỗi luống đất chỉ nên trồng 1 hàng ớt (nhiều nông dân thường trồng 2 hàng ớt trên mỗi luống) để cây phát triển tốt, sai quả, ít sâu, bệnh. Sau khi trồng, nông dân không nên bón phân quá nhiều mà chỉ nên bón từ từ để cây hấp thụ. Đặc biệt, khi phun thuốc trừ sâu, bệnh cho ớt, chỉ nên phun riêng rẽ từng loại thuốc. Nếu sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc khác nhau sẽ ảnh hưởng xấu tới lá cây. Ớt của anh Khoa bán rất đắt hàng. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng hỏi mua. "3 năm gần đây, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 20 triệu đồng/sào ớt", anh Khoa cho biết.
Thu lãi 38 triệu đồng mỗi năm từ 2 sào rau gia vị
Ông Trương Doãn Thịnh ở thôn Nại Đông, xã Tam Kỳ (Kim Thành) canh tác 6 vụ rau gia vị trong 1 năm
Nếu như cà chua ghép, ớt Demon có thời gian sinh trưởng rất dài thì nhiều loại cây rau gia vị trồng ở xã Tam Kỳ (Kim Thành) lại có thời gian sinh trưởng rất ngắn. Nhà ông Trương Doãn Thịnh ở thôn Nại Đông có 2 sào chuyên canh cây rau gia vị. Ông thường trồng rau diếp, cần, tỏi, mùi, thìa là, mủa... Mỗi vụ trồng rau gia vị chỉ có 40-45 ngày. Ông Thịnh cho biết: "Trên bát phở có loại rau gia vị gì thì ở đây chúng tôi trồng cái đó và gần như không có sự phân biệt rõ ràng về thời vụ. Các vụ rau gia vị cứ gối nhau liên tục. Mỗi năm, nhà tôi trồng khoảng 6 vụ. Những lúc rau bán được giá, trên một thửa ruộng, nhà tôi vừa thu hoạch, vừa cuốc đất, vừa trồng loạt rau mới. Do ít đất nên phải quay vòng nhiều để cho thu nhập cao". Trước đây, đa số các loại rau gia vị chỉ trồng ở vụ đông vì đây là những cây ưa lạnh. Gần đây, nhiều nhà khoa học đã chọn tạo ra nhiều loại cây rau gia vị chịu nhiệt, có thể trồng vào mùa nắng nóng. Ông Thịnh thường trồng giống cần tây Nhật, tỏi Pháp (giống nhập khẩu), mùi Bạc Liêu. Riêng giống rau diếp ngồng, thìa là, hành hoa thì người dân tự để giống. Cũng như nhiều nông dân khác, ông Thịnh thường dùng lưới che nắng để cây rau gia vị sinh trưởng thuận lợi. Những lúc thu hoạch, thương lái đến tận đầu bờ thu mua. Hiện nay, ông Thịnh đang bán rau diếp ngồng, rau mùi với giá 20 nghìn đồng/kg, 70 nghìn đồng/kg thìa là. Chỉ với 2 sào trồng rau gia vị, bình quân mỗi năm, ông Thịnh thu lãi khoảng 38 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ để ông trang trải cuộc sống.
Từ thực tế sản xuất, những nông dân như anh Vàng, anh Khoa, ông Thịnh đã khẳng định rằng: Nếu biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cuộc sống, có kinh nghiệm canh tác, thị trường tiêu thụ thuận lợi thì nông dân sẽ có những vụ mùa bội thu.
Những công thức luân canh cho lãi cao Năm 2011, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã khảo sát về những công thức luân canh, chuyên canh rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, công thức chuyên canh cà chua, rau màu vụ hè ở xã Thượng Đạt (TP Hải Dương) cho mức lợi nhuận cao nhất, đạt 486 triệu đồng/ha/năm (17,5 triệu đồng/sào/năm). Tiếp đó là công thức luân canh 5 vụ rau màu ở huyện Gia Lộc, cho lãi 278 triệu đồng/ha/năm (10 triệu đồng/sào/năm); 4 vụ rau màu ở các xã khu C (Kim Thành) cho lãi 250 triệu đồng/ha/năm (9 triệu đồng/sào/năm); 3 vụ rau màu ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng) cho lợi nhuận 222 triệu đồng/ha/năm (8 triệu đồng/sào/năm). |
NINH TUÂN