Thị trường sách vở còn bị buông lỏng

Thị trường - Ngày đăng : 15:48, 26/08/2012

Giữa một "rừng" sách tham khảo, sách hỗ trợ học tập, phụ huynh khó mà lựa chọn được một sản phẩm chất lượng tốt, phù hợp với con em mình.

Sách, vở còn nhiều “sạn”

Chị Nguyễn Thị Thúy ở thôn Mặc Thủ, xã Liên Mạc (Thanh Hà) có con  năm nay vào lớp 1. Từ tháng 6 chị đã đến cửa hàng sách của Công ty CP Phát hành sách Hải Dương ở phố Quang Trung mua một số sách, vở  cho con học, làm quen với chữ viết. Tuy nhiên, cả 2 cuốn sách, vở mà chị mua đều "có vấn đề" về nội dung. Cuốn "Bé tập viết" (dành cho học sinh lớp mẫu giáo lớn, quyển 1) của Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm, có 36 trang (chưa kể bìa), in 34 bài tập viết, từ những nét cơ bản đến các chữ cái và một số từ liên quan đến chữ cái. Trong đó, bài 26 (trang 28) in chữ ư thành chữ ự; bài 34, "nhà lá" in thành "nhà là". Ngoài bìa cuốn “Bé vào lớp 1”, tập 1 của NXB Hồng Đức ghi "biên soạn theo chương trình giáo dục”. Tuy nhiên, ngay trang đầu tiên, giới thiệu bảng chữ cái tiếng Việt, thứ tự của chữ cái “l” đã bị thay bởi chữ “n” và ngược lại. Chị Thúy cho biết: “Trước khi mua sách, tôi đã tham khảo ý kiến của người thân làm trong ngành giáo dục nên được biết một số vở tập viết có nhiều lỗi (về số thứ tự các trang, chữ viết…). Tôi cho rằng, năm nay khi tái bản những lỗi này sẽ được khắc phục, nên không đọc kỹ nội dung cuốn vở trước khi mua. Không ngờ, vở vẫn còn lỗi”


Một số cuốn sách cho học sinh vào lớp 1 có sai sót


Cùng chung bức xúc về chất lượng sách vở, chị Đặng Thị Hoa ở khu 11 phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết: "Đầu tháng 8, tôi mua cuốn “Ôn tập hè Toán - Tiếng Việt lớp 1” do nhóm tác giả Đỗ Trung Hiệu - Lê Phương Nga chủ biên của NXB Giáo dục cho con ôn tập, cũng phát hiện  những nghi vấn trong phần tiếng Việt. Cụ thể, trong bài thơ “Đi học” của Thy Ngọc có câu:  "“L” gầy nên đội mũ/ “O”mang nón giống “Ô”. Từ trước tới nay, tôi chưa từng thấy chữ “l” “đội mũ” bao giờ, không biết tác giả bài thơ nhầm hay các nhà soạn sách nhầm?

Chị Nguyễn Hương Lan, giáo viên Trường Tiểu học Ái Quốc (TP Hải Dương) cho biết: "Hiện nay, mỗi lớp học, mỗi môn học đều có hàng chục loại sách tham khảo khác nhau khiến người trong ngành như chị cũng không thể đọc hết tất cả. Nhiều sách có nội dung na ná nhau, chỉ khác tên tác giả và NXB. Vì vậy, thường giáo viên chỉ định hướng để phụ huynh chọn mua sách tham khảo của các NXB lớn, có uy tín trong lĩnh vực giáo dục như NXB Giáo dục, NXB Đại học Sư phạm... Tuy nhiên, ngay cả các tên tuổi lớn nói trên cũng vẫn bộc lộ sai sót về nội dung, nếu giáo viên không để ý sẽ khó phát hiện để nhắc học sinh.    

Nhiều phụ huynh còn bức xúc bởi chất lượng giấy. Giấy in đen, mỏng, nhiều trang dính nhau, một số chỗ chữ nhòe, khó đọc là điều dễ nhận thấy ở một số sách tham khảo cho học sinh phổ thông như cuốn “Những bài văn mẫu lớp 7”, “Bồi dưỡng văn năng khiếu lớp 4” của NXB Hải Phòng... Trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại vở có chất lượng giấy không tốt: giấy mỏng, dễ thấm mực, hay bị nhòe, dòng kẻ không rõ, thậm chí xuất hiện nhiều loại vở là "hàng nhái", hàng giả. Khi thực hiện bài viết này, tôi đã thử mua một cuốn vở luyện viết chữ đẹp dành cho học sinh lớp 4 (tập 1) tại cửa hàng sách ở phố Quang Trung. Trên bìa vở ghi sản phẩm của Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục (STBGD), nhưng một số bài viết trong vở vẫn còn lỗi chính tả, một số chữ in liền nhau, một số chữ bị mất nét, dòng kẻ in đậm nên không làm nổi bật các dòng chữ in...Đem so sánh với vở cùng loại mua tại Siêu thị Sách của Công ty CP STBGD thấy sự khác biệt rõ rệt: dòng kẻ mờ, chữ rõ, không mất nét, không sai chính tả. Theo lãnh đạo công ty, thì vở luyện viết chữ đẹp do công ty sản xuất là sản phẩm độc quyền về kiểu dáng công nghiệp, nội dung do Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) biên soạn. Nếu cơ sở kinh doanh không xuất trình được phiếu mua hàng, nguồn gốc xuất xứ của lô vở mà họ bán, thì đó là sản phẩm làm giả. Cùng là vở ô ly, vở tập viết, nhưng có nhiều loại khác nhau: loại 5 ly, 4 ly...Sự đa dạng về chủng loại này đôi khi làm khó phụ huynh học sinh, khi họ mua loại này, nhưng nhà trường lại yêu cầu dùng loại kia.

Ai quản lý?



Một số sách ở cửa hàng bán buôn, bán lẻ sách, thiết bị đồ dùng học tập, văn phòng phẩm của
Công ty Phát hành sách Hải Dương ở đường Quang Trung (TP Hải Dương) chất lượng chưa bảo đảm


Toàn tỉnh hiện có 595 cơ sở in ấn, xuất bản và phát hành. Trong đó, có 420 cơ sở in, photocopy và 175 cơ sở phát hành (bao gồm cả các đại lý, cửa hàng bán sách, báo và cho thuê truyện).  Hiện nay, Công ty CP STBGD là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh được NXB Giáo dục giao nhiệm vụ cung ứng sách giáo khoa, sách bổ trợ cho giáo viên và học sinh phổ thông. Ông Vũ Chí Nghiêm, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty hiện có hơn 483 tên sách giáo khoa, 55 tên tài liệu tự chọn và hàng trăm tên sách bổ trợ theo danh mục của Bộ GD- ĐT cho giáo viên và học sinh cùng hàng trăm loại sách tham khảo khác. Các đầu sách của công ty đều có hợp đồng với NXB, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chủ yếu là sách của các NXB có uy tín như NXB Giáo dục, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng... Tuy nhiên, ngoài siêu thị sách của Công ty CP STBGD, tại hầu hết các nhà sách, hiệu sách lớn trên địa bàn TP Hải Dương và các huyện, thị xã đều bày bán sách giáo khoa, sách bổ trợ và sách tham khảo. Trong đó, có không ít sản phẩm không có tem chống giả, chất lượng in ấn kém, thậm chí có thể là sách giả, sách lậu...

Anh Nguyễn Trọng Thắng, Phó Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất của đoàn kiểm tra liên ngành thông tin, truyền thông - công an - quản lý thị trường từ năm 2008 đến nay, chưa phát hiện trường hợp in lậu sách nào trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo báo cáo công tác quản lý nhà nước về báo chí xuất bản của Sở Thông tin và Truyền thông năm 2011, thì công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và xử lý vi phạm trong hoạt động in ấn, xuất bản và phát hành chưa được thường xuyên. Cũng theo báo cáo này thì một trong những hạn chế của công tác quản lý nhà nước về xuất bản là "hiện tượng in lậu, in không có hợp đồng, in nhãn mác không có đăng ký chất lượng hàng hóa theo quy định vẫn còn xuất hiện ở một số cơ sở in tư nhân". Vì vậy, khi chọn mua sách, vở, các bậc phụ huynh và học sinh nên thận trọng. Tốt nhất, nên chọn các xuất bản phẩm theo sự hướng dẫn của giáo viên, của các nhà trường, mua sách của các NXB có uy tín, có tem chống giả trên...

.Do tỉnh ta chưa có NXB nên hầu hết các sách giáo khoa, sách tham khảo đều được nhập từ tỉnh ngoài. Theo Luật Xuất bản sửa đổi năm 2008 và các Nghị định hướng dẫn, việc quản lý hoạt động xuất bản đối với các xuất bản phẩm để kinh doanh như sách giáo khoa, sách tham khảo thuộc thẩm quyền của Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông. Vì vậy, nội dung của một số cuốn sách có nhiều sai sót nhưng chưa được đính chính là vấn đề nằm ngoài tầm quản lý của các cơ quan chức năng trong tỉnh. Đối với các loại giấy vở, do có nhiều công ty in ấn, ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, nên khó kiểm soát được chất lượng. Đa số người tiêu dùng cảm nhận chất lượng giấy vở một cách cảm tính bằng mắt thường và mua vở theo hướng dẫn của các nhà trường.

NHÓM PV CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI