Kinh nghiệm trừ bệnh bạc lá lúa
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 00:17, 30/08/2012
Do lúa mùa ở các tỉnh phía Bắc trổ bông trong điều kiện thời tiết nắng nóng mưa nhiều, gió lớn thường xảy ra, là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá lúa Xanthomonas oryzae phát sinh, phát triển gây hại làm giảm đáng kể đến năng suất, chất lượng lúa cuối vụ.
Xin giới thiệu kinh nghiệm nhận biết và trừ bệnh bạc lá lúa.
Nhận biết: Bệnh bạc lá lúa xuất hiện trên phiến lá, đầu tiên là ở ngọn lá. Khi mới xuất hiện vết bệnh có màu xanh tái, gặp nắng vết bệnh héo đi, tế bào chết dần tạo thành vết dài màu trắng xám. Bìa vết bệnh có hình gợn sóng, thời tiết ẩm, hay sáng sớm trên vết bệnh có giọt dịch màu trắng đục, lúc khô có màu vàng hoặc nâu chứa đầy vi khuẩn. Bệnh nặng có thể làm cho khô trắng cả phiến lá, làm tỷ lệ hạt lửng lép 50-70%.
Bệnh bạc lá lúa năm nay có thể hại nặng lúa giai đoạn trổ bông đến thu hoạch, nhất là những ruộng lúa cấy giống nhiễm bệnh, bón thừa đạm vào giai đoạn cuối làm cho bộ lá đòng (gồm lá đòng và 3 lá dưới lá đòng) có màu xanh thẫm, xanh đen.
Chọn thuốc trừ bệnh bạc lá lúa: Hiện nay chưa có loại thuốc đặc hiệu trừ bệnh bạc lá lúa. Chỉ có loại thuốc mới, khả năng phòng bệnh tốt, trừ được bệnh khi mới phát sinh, cấp bệnh nhẹ (cấp bệnh C1-2) và một số loại thuốc thành phẩm thông dụng có nhiều trên thị trường có tác dụng phòng trị bệnh bạc lá lúa.
Ditacin 8L với hoạt chất Ningnamycin là một loại kháng sinh có nguồn gốc sinh học mạnh, phổ rộng với nhiều loại nấm và vi khuẩn gây bệnh cho cây trồng, sản phẩm đã được đăng ký trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật mới an toàn với môi trường sống và người sử dụng. Liều lượng sử dụng: Phòng bệnh với những ruộng lúa khi trổ bông xanh tốt, biểu hiện thừa đạm, giống lúa nhiễm bệnh, 2 gói/2 bình 8-10 lít/sào. Trị bệnh, khi bệnh mới xuất hiện (cấp bệnh C1-2), 3 gói/2 bình/sào, phun nhắc lại lần 2 sau lần 1 từ 5-7 ngày. Ngoài ra có thể sử dụng các loại thuốc thành phẩm sau: Staner 20WP, Hoả Tiễn 50WP, CBA, Bactocide 12W, Sasa 20WP cũng cho kết quả phòng, trị bệnh tương đối tốt, cần phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)